

Gia đình đang đi nghỉ hè xa nhà trong một túp lều bên bờ hồ. Ông bố ra ngoài câu cá và bà mẹ trong căn bếp đang sửa soạn bữa ăn. Cô bé Thanh Tuyền 2 tuổi đứng ở cữa trước gọi:
– Má mi!
– Sao con? –
– Má mi!
– Sao con?
– Má mi
– Sao con?
Bà mẹ đi đến chỗ đứa con và nói:
– Cái gì vậy? Con muốn đi bách bộ hả? Chờ một chút.
Bà mẹ trở lại bếp. Cô bé vẫn đứng yên đó, mặt ịn vào cữa kính.
– Má mi!
– Sao con?
– Má mi!
– Sao con?
– Má mi!
– Sao con?
Cô bé quen gọi một lúc ba lần như vậy. Bà mẹ lại trở ra với nó.
– OK, bây giờ con và mẹ đi bộ một lúc, nhưng mà mẹ còn phải chuẩn bị bữa ăn tối nữa.
Bà mẹ nắm tay cô bé, giúp nó bước xuống bậc cấp, và đi bách bộ với nó.
Cô bé không đến với mẹ. Nó gọi mẹ đến với nó. Bà mẹ đã đáp lời. Bà đã chìu theo những đòi hỏi không thích hợp của cô bé. Đứa trẻ tìm sự chú ý ngay tức khắc là một đứa trẻ không có hạnh phúc. Nó cảm thấy ngoại trừ nó được chú ý, nó sẽ mất giá, không có chỗ đứng. Nó tìm kiếm sự tái khẳng định tức khắc rằng nó là quan trọng. Vì nó nghi ngờ, nên không có con số nào có thể làm nó vững tâm. Mẹ nó chú ý nó. Một lúc sau nó lại hỏi:
– Mẹ có để ý đến con không? Con vẫn còn đáng được chú ý phải không?
Đây là một vòng nghi ngờ không bao giờ chấm dứt. Một tình cảnh thật đáng thương. Bà mẹ có cách nào giúp được?
Khi cô bé Thanh Tuyền thành công trong việc làm cho mẹ nó đáp trả mỗi lần nó gọi, sự đáp trả ấy trở thành bức tường vây kín. Không còn có chỗ cho những giá trị khác. Cô bé sẽ làm gì nếu bà mẹ từ chối không đáp lại những đòi hỏi không mấy thích hợp đó. Chắc chắn sau một lúc phản ứng, nó sẽ khám phá những cách thế khác để có cảm giác mình vẫn thuộc về. Có thể cô bé cần sự giúp đỡ để tìm được phương cách xây dựng, nếu không, sự tìm kiếm của nó có thể dẫn đến hành vi phá hoại hơn. Người mẹ có thể ý thức và biết được hành vi nào là thích hợp. Bà mẹ chứng tỏ mình thiếu tự trọng khi bà cho phép con bà bắt bà phục dịch như một người nô lệ. Bà cũng tỏ ra thiếu trọng kính con mình khi bà tỏ ra nghi ngờ khả năng của đứa con nếu không có sự phục dịch của bà.
Bà mẹ có thể không đến với cô bé mỗi khi nó gọi. Bà có thể đáp trả lời mời gọi đầu tiên một cách vui vẻ và hãy bảo với nó rằng bà đang bận công việc nấu ăn. Khi cô bé gọi lần nữa, bà có thể không cần trả lời. Cả hai có thể chơi trò chơi nầy. Cô bé có thể thét lên, nhưng bà mẹ có thể giả vờ rằng bà đang bận rộn với việc bà phải làm, nên nếu muốn, cô bé phải đến với bà. Bà mẹ có quyền tiếp tục công việc và cũng có bổn phận phải giáo dục cô bé biết trọng kính những nhu cầu của hoàn cảnh lúc bấy giờ. Cô bé không có quyền đòi đi bách bộ bất cứ khi nào nó muốn. Nó phải khám phá ra những lợi ích của việc chấp nhận trật tự và những nhu cầu của hoàn cảnh. Sẽ có thời gian được sắp xếp cho việc đi bách bộ. Nếu nó đến và xin mẹ dắt đi bách bộ, bà mẹ có thể trả lời:
– Bây giờ không phải là thời gian để đi bách bộ, cô bé ơi!
Thế là xong. Không thành vấn đề cô bé sẽ làm gì, bà mẹ vẫn cứ cứng rắn và tiếp tục làm công việc của mình.
Lm. Lê văn Quảng
Lm Lê Văn Quảng, Psy.D. Đài Loan. quangtaiwan@yahoo.com