GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠOlà thể hiện những giá trịvà truyền thống về văn hoávà tôn giáo của gia đình Á châu

Trong sứ điệp gửi toàn thể Dân Chúa tại Châu Á, các Giám Mục thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu họp tại Daejon, Hàn Quốc, từ ngày 17 đến 23 tháng 8 năm 2004, với chủ đề “Gia đình Á Châu hướng đến nền văn hóa sự sống”, đã lấy lại lời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để kêu gọi các gia đình Kitô hữu: 

“HỠI CÁC GIA ĐÌNH, HÃY TRỞ NÊN CHÍNH MÌNH!” 

“Hãy trở nên chính mình!” có nghĩa là các gia đình Kitô hữu thể hiện hoặc sống căn tính (identity) và ơn gọi (vocation) của gia đình công giáo. Cũng có nghĩa là các gia đình sống đạo như được mời gọi và có trách nhiệm. Nhưng xưa rày hễ nói đến sống đạo, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc sống giáo lý đức tin, mà quên đi một yếu tố rất quan trọng là thể hiện những giá trị nhân văn thuộc truyền thống văn hóa và tôn giáo của gia đình Á châu. Trong bài này chúng ta sẽ đề cập đến việc thể hiện những giá trị này trong đời sống gia đình. 

TRÌNH BÀY 

1. Những giá trị và truyền thống về văn hóa và tôn giáo của gia đình Á châu

Trong sứ điệp của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu họp lần thứ 8 nói trên, sau khi khẳng định xác tín của mình về “gia đình là quà tặng quý giá và ân phúc Chúa ban cho vùng Á châu”, các Giám Mục Á Châu đã đưa ra nhận định sau đây: 

“Chúng tôi hân hoan đọc được các tín hiệu của niềm hy vọng tràn ngập trong các gia đình Á Châu. Được thôi thúc bởi các giá trị và truyền thống về tôn giáo và văn hóa, nhiều gia đình đang nỗ lực kiên trì dấn thân cho những lý tưởng của đời sống gia đình. Họ múc lấy sức mạnh từ những giá trị mang tính Á Châu, như lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống, sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, siết chặt tình thâm gia tộc, tình nhân ái giữa người với người, củng cố lòng hiếu khách, tôn trọng người già, đề cao lòng hiếu thảo, chăm sóc cho người trẻ. Duy trì được đời sống tâm linh và niềm tin tôn giáo trong gia đình, cảm nhận được sự thánh thiêng của hôn nhân, gia đình và con cái, là những yếu tố mang lại niềm vui và biến nhiều gia đình thành những vườn ươm cho ơn thiên triệu. Trước các gian truân trăm bề, họ luôn kiên cường chịu đựng. Gia đình Á Châu không ngừng được nâng đỡ bởi các giá trị đó và cũng không ngừng chuyển tải các giá trị đó. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những gía trị của dân bản xứ và của các tôn giáo khác đã làm phong phú các gia đình Á Châu biết chừng nào. Những cuộc hôn nhân khác đạo và khác văn hóa cũng tạo những cơ hội thuận lợi cho sự phong phú thiêng liêng, và đã trở thành các biểu tượng về một tình yêu vô điều kiện vươn lên từ những vấn đề phức tạp về văn hóa và tôn giáo mà các cuộc hôn nhân này phải đối mặt. Hỡi các gia đình chúng tôi cám ơn các bạn vì các bạn đã bảo vệ được các giá trị đích thực, và chúng tôi khuyến khích các bạn can đảm, kiên trì” 

2. Sống Đạo là duy trì và phát huy những giá trị và truyền thống thuộc văn hóa và tôn giáo của gia đình Á Châu. 

Chúng ta biết Châu Á là nơi sản sinh những nền văn hóa lâu đời (như Ấn độ, Trung Hoa..) và các tôn giáo lớn của nhân loại (Ấn Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo…). Việt Nam ta cũng là mảnh đất có bốn ngàn năm văn hiến bên cạnh những nền văn hóa lớn Ấn-Trung. Vì thế mà gia đình Á Châu nói chung và gia đình Việt Nam nói riêng đã thấm nhuần những giá trị cao đẹp và truyền thống ngàn đời của văn hóa và tôn giáo Á Châu, trước khi tiếp nhận Tin Mừng Kitô giáo. Chúng ta cũng biết rằng Phúc Âm không những không tiêu diệt các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống của các dân tộc mà còn thăng hoa và kiện toàn những giá trị tốt đẹp ấy. Những giá trị này thường rất gần với các giá trị của Phúc Âm. Vì thế mà trong cách sống đạo của mình, các gia đình Á Châu nói chung và gia đình Việt Nam nói riêng, thường làm nổi bật những giá trị nhân văn xuất phát từ truyền thống văn hóa và tôn giáo của gia đình Á Châu. Sau đây chúng ta sẽ đi sâu vào từng giá trị và truyền thống tốt đẹp ấy: 

2.1 Lòng tôn kính sâu xa đối với sự sống: 

Sự sống luôn là điều thánh thiêng đối với người Á Châu. Một trong những nét đặc trưng trong Giáo lý Phật Giáo là “không sát sinh”. Giáo lý này xuất phát từ quan niệm coi mọi dạng sự sống (thực vật, động vật) trên đời này đều có giá trị cao quý. Quan điểm của Kitô giáo có khác, cũng tôn kính sự sống của mọi sinh vật nhưng lại được dậy cho biết là con người được Thiên Chúa giao quyền bá chủ vũ trụ và vạn vật, nên con người có quyền sử dụng thực vật, động vật để phục vụ cho sự sống của mình. Kitô giáo cũng cấm giết người, vì quan niệm rằng sự sống là quà tặng của Thiên Chúa, là bất khả xâm phạm và thuộc về Thiên Chúa. Con người chỉ có quyền đón nhận chứ không có quyền hủy diệt sự sống. 

Nhưng ngày nay con người tự ban cho mình quyền “sinh sát” trên sự sống là vi phạm nặng nề điều răn của Chúa. Giết người luôn là tội trọng, nhất là giết những người bé mọn, yếu ớt, không có khả năng tự vệ (như các bào thai hay trẻ sơ sinh). Kitô hữu phải là các chiến sĩ bảo vệ (phò) sự sống. Gia đình Kitô hữu phải là cung thánh của sự sống như giáo huấn của Giáo hội về Gia đình.

2.2 Sự gần gũi và tôn trọng thiên nhiên:

Con người là sinh vật có xã hội tính nghĩa là có nhiều mối tương quan: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với chính mình, tương quan với tha nhân, tương quan với xã hội và tương quan với cả thiên nhiên nữa. Các bậc hiền triết từ Đông sang Tây đều là những người sống gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên. Theo triết lý của Đông phương “thiên thời / địa lợi / nhân hòa” là ba yếu tố thiết yếu cho sự thành công của mọi công trình.

Ngày nay con người tự gây hại cho mình và cho tha nhân và xã hội khi – vì vô tình hay vì lòng tham – mà phá vỡ sự hài hòa của thiên nhiên. Thiên tai do nạn phá rừng, tình trạng ô nhiễm môi sinh và khí thải nhà kính là những tai họa đang và sẽ giáng xuống trái đất với hậu quả khôn lường. Người Kitô hữu phải là các chiến sĩ bảo vệ môi trường. Gia đình Kitô hữu phải là trường dạy sự tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên.

2.3 Tình thâm gia tộc:

Một nét đặc thù khác của gia đình Á Châu là tính gia đình trong quan hệ xã hội. Gia đình không chỉ giới hạn ở cha mẹ và con cái, vợ và chồng mà còn mở rộng đến ông bà / cha mẹ / chú bác / cô dì / anh chị em họ (bà con). Sợi dây ràng buộc giữa các phần tử của gia đình Á Châu còn khá bền chặt mặc dầu bối cảnh xã hội Á Châu đã thay đổi rất nhiều. Những nước tiên tiến về mặt kinh tế, kỹ thuật như Nhật Bản, Trung Hoa, Hàn Quốc, Thái Lan….cũng vẫn tôn trọng và đề cao những cách ứng xử lễ phép, hiếu thảo là nét đặc trưng của gia đình Á Châu..

Thế mà một số người, một số gia đình Việt Nam đã đánh mất truyền thống tốt đẹp của gia đình Á Châu. Đúng hơn là những người và những gia đình này đã không hiểu ý nghĩa cao đẹp của tình thâm gia đình mà ngộ nhận đó chỉ là những tập quán cổ hủ hoặc chẳng đem lại lợi ích gì cho con người thời nay nên loại bỏ. Xã hội Á Châu bền vững là do gia đình Á Châu bền vững, nhờ tình thâm gia tộc, nhờ mối liên kết dòng tộc. Gia đình Kitô hữu phải là nơi tình thâm gia tộc được gìn giữ và hoàn thiện hơn lên để trở thành nét đặc trưng của gia đình Kitô hữu.

2.4 Tình nhân ái giữa người với người:

Giữa người với người thì chẳng có gì cao quý hơn là tình nhân ái. Nhân là người. Ái là lòng yêu thương. Người mà không có lòng nhân ái thì không còn là người nữa. Người với người mà chẳng khác gì sói (homo homini lupus) như châm ngôn của người La Mã xưa thì còn gì là sự an bình, ấm êm của xã hội nữa. Bao lâu con người chưa có lòng nhân ái thì bấy lâu chiến tranh vẫn tồn tại. Nơi nào con người thiếu lòng nhân ái thì nơi ấy con người sống trong hận thù. Dân tộc nào thiếu lòng nhân ái thì những người nghèo khổ, túng thiếu sẽ không có được chăm sóc và nâng đỡ là điều cần thiết để vượt qua khó khăn, nghèo đói. Lòng nhân ái là tiền đề của đức ái Kitô giáo. Gia đình Kitô hữu là trường đào tạo những tấm lòng nhân ái cũng như những tâm hồn bác ái yêu thương là dấu riêng của người môn đệ Chúa Giêsu.

2.5 Lòng hiếu khách:

Tôn giáo nào cũng trân trọng lòng hiếu khách, nhất là Kitô giáo. Thế nhưng lối sống đề cao chủ nghĩa cá nhân đã làm sói mòn lòng hiếu khách. Còn một yếu tố khác làm phai nhạt và hạn chế việc thực hành lòng hiếu khách trong đời sống những con người văn minh: đó là những tai hại do chính những người được đón tiếp gây ra cho người đón tiếp. Ví dụ người được đón tiếp ăn cắp ăn trộm tài sản của chủ nhà, thậm chí giết hại chủ nhà tiếp đón mình, thì làm sao người ta dám mở cửa đón tiếp nữa. Có lẽ chúng ta phải tìm một hình thái mới để duy trì sự đón tiếp, nhất là trong một cộng đồng tôn giáo. Chẳng hạn giáo xứ có nhà đón tiếp những người lỡ đường thay cho các gia đình. Điều cần nghi nhận là ở các dân tộc thiểu số lòng hiếu khách còn khá sống động. 

2.6 Lòng hiếu thảo (tôn trọng người già, chăm sóc người trẻ)

Một nét đặc trưng khác của gia đình Á Châu là lòng hiếu thảo. Người Việt có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con” để nói lên mối tương quan ruột thịt và tình hỗ tương giữa các thế hệ khác nhau. Đạo lý uống nước nhớ nguồn đã ăn sâu vào máu thịt của người Á Châu nói chung và người Việt Nam nói riêng. Vì thế theo quan điểm Đông Phương thì tội lớn nhất của một con người là tội bất hiếu đối với tổ tiên ông bà cha mẹ. 

Ngày này do ảnh hưởng của nền văn hóa thực dụng và duy vật, nhiều người trẻ Việt Nam không còn coi trọng lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành và học đòi cách sống của người Âu Mỹ, coi cha mẹ già là gánh nặng, là của nợ muốn chối bỏ. Thật đáng tiếc thay!

2.7 Đời sống tâm linh và niềm tin tôn giáo:

Một đặc trưng quan trọng khác của các dân tộc Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng là lòng sùng đạo và đời sống tâm linh của người dân. Dù cách thể hiện khác nhau nhưng hầu hết người Việt Nam là người có tín ngưỡng. Có thể quả quyết dân tộc Việt Nam là dân tộc có tâm hồn đạo và có tôn giáo. Vì thế mà ở Việt Nam sẽ khó mà có hiện tượng nhà thờ hay chùa chiền vắng bóng tín đồ hay thiện nam tín nữ! Cũng vì thế mà vô thần, duy vật là đi ngược với truyền thống văn hóa và tôn giáo của cha ông chúng ta và cũng đi ngược với bản tính con người là sinh vật có đời sống tâm linh, có tôn giáo. 

Dĩ nhiên người và gia đình Kitô hữu được mời gọi đi sâu vào đời sống tâm linh và tăng cường niềm tin tôn giáo. Giáo hội Việt Nam đã có 117 Thánh Tử Đạo, nhưng chưa có một vị Thánh Hiển Tu hay Thần Bí (mystic) nào. Không thể nói là đời sống chiêm niệm không phù hợp với tâm hồn Việt. Bằng chứng là các Dòng chiêm niệm có rất nhiều ơn gọi. Nhưng chiều kích chiêm niệm trong đời sống đức tin nơi người giáo dân cần được đầy mạnh và cổ võ nhiều hơn nữa. 

2.8 Sự thánh thiêng của hôn nhân, gia đình và con cái:

Như trên đã nêu sự bền vững của gia đình là một đặc trưng của các nước Á Châu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Dù ly hôn đã được pháp luật nhìn nhận nhưng trong suy nghĩ của đại đa số người Việt Nam, ly hôn vẫn là một tai họa, một điều đáng tiếc xẩy ra chứ không phải là một điều gì tốt đẹp đáng hãnh diện và khoe khoang. Sở dĩ gia đình được bền vững như vậy là nhờ ở quan niệm về hôn nhân, gia đình và con cái là thánh thiêng, là báu vật. 

Hy vọng rằng, dù xã hội đang thay đổi sâu rộng và nhanh chóng, thì những truyền thống tốt đẹp này vẫn luôn được duy trì và đề cao.

2.9 Đức chịu đựng: 

Nét đặc trưng cuối cùng của người Á châu nói chung và của người Việt Nam nói riêng và nhất là của người phụ nữ Việt Nam, là đức chịu đựng. Phần lớn các gia đình tan vỡ là vì con người thời nay không còn biết chịu đựng nhau nữa. Do đó trong gia đình có chuyện gì xảy ra là người ta nghĩ ngay đến biện pháp “chia tay”. Đã đành có nhiều trường hợp chỉ có chia tay mới giải quyết được vấn đề, nhưng chia tay cũng chẳng phải là cây đũa thần giải quyết được mọi khó khăn, mọi vấn đề. 

KẾT LUẬN 

Những giá trị và truyền thống về văn hóa và tôn giáo là kho tàng vô giá của các dân tộc Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng. Gia đình sống đạo là thể hiện những giá trị và truyền thống đặc thù hay có tính Á Châu ấy cùng lúc với việc thể hiện những giá trị Kitô giáo. Vì thế gia đình Kitô hữu Việt Nam, dù sống ở phương trời nào, càng phải biết trân trọng, duy trì và phát triển những giá trị và truyền thống tốt đẹp về văn hóa và tôn giáo ấy. Đó chính ta một chứng tá mà nhân loại nói chung và các dân tộc tiên tiến nói riêng đang chờ đợi ở chúng ta.


Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: