Phụng Vụ Thánh Lễ.

Thứ Hai tuần 7 thường niên năm LẺ.

BÀI ĐỌC I: Hc 1, 1-10

“Sự khôn ngoan được tác tạo trước mọi loài”.

Bài trích sách Huấn Ca.

Mọi sự khôn ngoan đều bởi Thiên Chúa, và luôn luôn đã ở với Người và có từ trước muôn thuở.

Ai đếm được cát biển, giọt mưa và số ngày từ muôn đời? Ai đã đo được trời cao, đất rộng và biển sâu? Ai có thể khám phá ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa có trước muôn vật?

Sự khôn ngoan được tác tạo trước muôn loài, và trí khôn được dựng nên từ vạn kiếp. Nguồn mạch sự khôn ngoan là lời Thiên Chúa trên các tầng trời, và lối vào sự khôn ngoan là các giới răn vĩnh cửu. Căn nguyên sự khôn ngoan được mạc khải cho ai? Ai hiểu biết được mưu toan của sự khôn ngoan? Luật lệ khôn ngoan đã được mạc khải và tiết lộ cho ai? Và ai thấu triệt được trăm ngàn đường lối của nó?

Chỉ có một Ðấng Tối Cao là Ðấng Tạo Thành toàn năng, là Vua uy quyền và rất đáng kính sợ, Người ngự trên toà sự khôn ngoan và là Thiên Chúa thống trị. Chính Người đã tạo thành sự khôn ngoan trong Thánh Thần, Người đã nhìn xem, tính toán và đo lường. Người đã đặt nó trên mọi công trình của Người, trên mọi sinh linh tuỳ lòng rộng rãi của Người, Người đã phân phát nó cho những ai yêu mến Người.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5

Đáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).

1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai, Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai.

2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, từ đời đời vẫn có Chúa.

3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

All. All. – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – All.

PHÚC ÂM: Mc 9, 13-28

“Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông. Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: “Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?”

Một người trong đám đông trả lời rằng: “Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực”. Người đáp lại: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta”. Và người ta đem nó đến.

Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: “Nó bị như thế từ bao giờ?” Ông ta đáp: “Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”. Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: “Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi”.

Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: “Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa”. Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: “Nó chết rồi”. Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.

Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?”

Người đáp: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay”.

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm 1: Nếu Thầy có thể

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Cha mẹ thường phải chịu đau khổ vì con.

Đức Giêsu đã từng đối diện với sự bối rối của ông trưởng hội đường

khi cô con gái mười hai tuổi của ông gần chết (Mc 5, 22-23).

Ngài cũng đối diện với sự kiên trì của người phụ nữ dân ngoại

khi bà xin Ngài chữa cho cô con gái của bà bị quỷ ám ở nhà (Mc 7, 25).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đứng trước nỗi đau của một người cha

có đứa con trai nhỏ mang triệu chứng của bệnh động kinh.

Nhưng đối với ông, hẳn con ông là người bị quỷ ám.

Ông đã đem cậu con đến với Đức Giêsu, tiếc thay lại không gặp (c. 17).

Bởi vậy ông đã xin các môn đệ của ngài đuổi quỷ dùm.

Tiếc thay họ không làm được (c. 18).

Bây giờ gặp được Ngài, ông tha hồ kể về bệnh tình của con ông.

Mỗi lần quỷ nhập – hay mỗi lần lên cơn động kinh –

con ông bị vật xuống đất, sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ (c.18).

Nhiều khi quỷ còn xô cậu bé vào nước hay lửa cho chết (c. 22).

Vì chuyện buồn này diễn ra từ hồi cậu còn nhỏ,

nên người cha hẳn đã đau khổ triền miên và căng thẳng từ nhiều năm qua.

Ông gặp Đức Giêsu chỉ mong Ngài giải phóng con mình khỏi quỷ.

“Xin chạnh lòng thương mà giúp chúng tôi.”

Rõ ràng nhiều người khác trong gia đình ông cũng phải chịu đau khổ.

“Nếu Thầy có thể làm được gì”, câu này cho thấy ông tin không mạnh lắm.

Vì thế Đức Giêsu đã bắt bẻ câu nói của ông.

“Mọi sự đều có thể đối với người tin” (c. 23).

Đức Giêsu buồn vì phải ở với và chịu đựng một thế hệ cứng lòng tin (c. 19).

Các môn đệ không đuổi được quỷ vì họ chưa đủ đức tin.

Người cha muốn con mình được khỏi, ông cũng cần có thêm đức tin.

Thái độ nửa tin, nửa ngờ cũng là thái độ của thế hệ chúng ta.

Đức tin là lời đáp trả của con người,

nhưng đức tin cũng là ơn ban của Thiên Chúa.

Có lúc chúng ta cũng kêu lên như người cha đang chới với:

“Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”(c. 24).

Chúa có khả năng nâng đỡ đức tin của ta trong lúc khủng hoảng.

Có lúc chúng ta thấy không thắng nổi sức mạnh của xác thịt, của quỷ ma.

Và như các môn đệ, chúng ta tự hỏi tại sao (c. 28).

“Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng cầu nguyện” (c. 29).

Cầu nguyện là xin Đức Giêsu thêm sức mạnh và thêm lòng tin cho ta.

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

dù không phải là người phong…

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết, xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con. Amen.

Suy Niệm 2: Khôn ngoan

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chỉ có một sự khôn ngoan đích thực. Đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là chính sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan cao vượt đất trời, thống trị vũ trụ muôn loài. “Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời…Trời cao đất rộng vực sâu và sự khôn ngoan, ai dò cho thấu?…Chỉ có một Đấng Khôn Ngoan rất đáng sợ, ngự trên ngai của Người. Đó chính là Đức Chúa”. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ban sự sống. “Người rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người” (năm lẻ)

Thánh Gia-cô-bê cho biết sự khôn ngoan đích thực phát xuất từ Thiên Chúa. Và làm những điều tốt đẹp. “Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan”. Trái lại sự khôn ngoan phát xuất từ thế gian thì làm những việc xấu xa. Gây ra chia rẽ, bất hoà. “Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ”. Sự khôn ngoan của ma quỷ đưa đến ghen ghét. Ghen ghét dẫn đến chết chóc. Còn sự khôn ngoan từ Thiên Chúa là yêu thương. Dẫn đến sự sống (năm chẵn).

Ma quỷ luôn luôn muốn dùng sự khôn ngoan đen tối ác độc để khống chế con người. Muốn thống trị thế giới. Bằng sự sợ hãi. Bằng nô lệ. Bằng bệnh tật. Bằng cái chết. Ma quỷ luôn muốn giết chết con người. “Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết”. Con người không sao thoát ra khỏi thế lực của ma quỷ. Nói gì đến kháng cự. “Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi”. Vâng sức con người không thể chống lại ma quỷ. Phải có sức mạnh của Thiên Chúa. Muốn có sức mạnh của Thiên Chúa cần hai điều kiện. Người bệnh cần có lòng tin “Mọi sự đều có thể dối với người tin”. Người trừ quỷ cần cầu nguyện. “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”. Tin để Chúa hành động. Và cầu nguyện để có sức mạnh của Chúa. Chỉ khi sự khôn ngoan của Thiên Chúa đến mới đẩy lui được sự khôn ngoan của ma quỷ.

Ngày nọ, một linh mục đến hỏi thánh Gioan Vianney bí quyết làm cho xứ đạo được thánh thiện. Thánh nhân hỏi: “Ngài đã làm gì?” Cha kia đáp: “Con tổ chức hội đoàn, con mời gọi học giáo lý, con cho thực hiện những cuộc rước kiệu… Thế nhưng xứ con giáo dân vẫn lười biếng, bê bối”.

Thánh Vianney hỏi lại: “Thế cha đã ăn chay và cầu nguyện chưa?”. Nghe câu hỏi đó cha sở này thú thực là chưa hề nghĩ tới.

Thấy vậy, cha Gioan Vianney đã chỉ ra cho cha kia biết nguyên nhân là chưa cầu nguyện và ăn chay nên không thành công…

Câu hỏi: “Tại sao chúng con không trừ được quỷ” mà các môn đệ cất lên hỏi Đức Giêsu có lẽ cũng là câu hỏi đầu tiên của chúng ta khi nghe đọc bài Tin Mừng hôm nay!

Khi các môn đệ đang phân vân và không thiếu kinh ngạc trước sự cứng đầu của quỷ, Đức Giêsu đã nói ngay: “Giống quỷ đó chỉ trừ được bằng cầu nguyện”.

Tại sao vậy? Thưa! Rất đơn giản, vì các môn đệ chỉ là người thừa tác để trừ quỷ chứ tự thân, các ông không thể trừ được. Vì thế, các ông phải nhân danh người sai mình. Cầu nguyện chính là sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời của người sai và người được sai. Khi cầu nguyện, người thi hành chỉ biết làm khi có lệnh hay đúng hơn là làm theo ý chủ.

Chỉ có sự kết hiệp mật thiết với Chúa, con người mới có khả năng để thống trị ma quỷ. Chỉ có cầu nguyện liên lỷ, con người mới gắn bó và đi trong đường lối của Thiên Chúa, nếu không, người ta dễ làm theo ý riêng và quy chiếu về mình thay về Chúa.

Thật vậy, “Không cầu nguyện thì không có đức tin.

Không có đức tin thì không có tình mến.

Không có tình mến thì sinh kiêu ngạo.

Khi đã kiêu ngạo thì hoàn toàn thuộc về ma quỷ”.

Đây là mấu chốt các môn đệ không trừ được quỷ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cậy trông vào Chúa qua việc cầu nguyện. Cần xác định rõ rằng: việc trừ quỷ là việc của Chúa, chúng ta chỉ là dụng cụ Chúa dùng. Tuy nhiên, dụng cụ phải vừa tay ông chủ, tức là chúng ta chỉ hữu dụng khi biết phụ thuộc vào Chúa qua cầu nguyện.

Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ý thức được sự cao quý của việc cầu nguyện, để đức tin, cậy, mến ngày càng lớn mạnh trong con người và nơi sứ vụ của chúng ta. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 3: Tin tưởng vào Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa là Đấng Toàn Năng. Con người chúng ta là nạn nhân của ma quỷ ác độc. Để cho tình thương đầy uy quyền của Chúa ảnh hưởng đến cuộc sống của ta và lôi ta ra khỏi mưu thâm ác độc của ma quỷ, ta phải tin vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đoàn dân đang vây quanh các môn đệ của Chúa. Họ ngạc nhiên vì các môn đệ của Chúa đã bất lực trong việc cứu chữa người bị quỷ ám.

Chúa đã thốt lên: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin và tà vạy”. Con thấy lời này trước tiên nhắm tới các môn đệ đã ăn chay cầu nguyện không đủ, lại còn tự tin vào tài hèn sức mọn của mình. Chúa cũng nhắm tới đoàn dân đang háo hức muốn xem cho no mắt chứ không muốn hiểu chiều sâu của ơn cứu độ. Chúa còn nhắm tới thái độ của những biệt phái và luật sĩ chỉ tìm bắt bẻ chỉ trích chứ không khách quan và chân tình tìm hiểu sự thật và chẳng thống hối gì. Và Chúa cũng nhắm nói tới người cha của cậu con trai: ông chỉ lo một vấn đề sinh tử phần xác của đứa con.

Lạy Chúa, cả con nữa, con muốn suy nghĩ lại cuộc sống làm con Thiên Chúa của con. Con thường hay cậy vào sức riêng và lòng đạo đức của chính mình như các môn đệ của Chúa xưa kia. Trong cuộc sống thường ngày, con dễ dàng đi vào lối sống của đoàn dân khi con thờ ơ nông cạn và chỉ tò mò. Chúa ở với con trong bí tích Thánh Thể có khi không hấp dẫn con bằng những người chết thiêng chết thánh. Con lại sa vào tình trạng của người luật sĩ khư khư với cách sống đạo cổ truyền. Người cha trong bài Tin Mừng hôm nay là hiện thân của chính con, chỉ lo lắng về vật chất và rất yếu lòng tin.

Con chỉ biết thưa cùng Chúa: Ôi lạy Chúa, xin cứu chữa con. Con tin vào Chúa. Xin tăng thêm đức tin cho con. Amen.

Ghi nhớ: “Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi”.

Suy Niệm 4: Ăn chay và cầu nguyện có thể trừ quỷ

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa hai em bé:

– Nếu Satan đến cám dỗ, bạn làm sao chống trả?

– Mình biết Satan đến để cám dỗ, nhưng khi nó gõ cửa lòng mình, mình bảo: Có phải đức Giêsu gõ cửa đấy không ạ? Khi Satan nghe tên Giêsu là nó biến ngay!

Người mạnh nhất không thể một mình chống lại Satan.

Suy niệm

Thần ô uế (x. Mt 1,23) cũng như quỷ (x. Mc 1,32; 3,11a.15.22…) luôn tượng trưng quyền lực sự dữ, luôn đối địch với Thiên Chúa và là sự chẳng lành với sức khỏe thể xác và tâm linh cho con người.

Đứa bé bị quỷ ám nên động kinh, người cha đã gặp các môn đệ của Chúa Giêsu để xin cứu chữa cho đứa bé, nhưng các ông không thể trừ quỷ được. Không mất niềm tin ông đi gặp Chúa Giêsu cầu xin: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi”. Đức Giêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Chúa quan tâm đến lời cầu xin của ông, đức tin của ông thình lình bùng lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi” (Mc 9,23-24). Ðức Giêsu dùng uy quyền và phán một lời ra lệnh cho quỷ phải xuất khỏi nạn nhân. Sự hiện diện của Đức Kitô uy quyền với lời giảng dạy đầy uy quyền, khuất phục ma quỷ, tà thần…

Chúa dạy các môn đệ phải ăn chay và cầu nguyện mới có thể trừ quỷ. Ăn chay để nâng con người lên khỏi sức nặng của thân xác và của vật chất; cầu nguyện để đón nhận sức mạnh chiến thắng của Chúa Kitô, Ðấng đã đánh bại được quyền lực của Satan. Cho nên, trong lời cầu chúng ta tin vào Chúa khi nhìn nhận sự bất lực của mình và hoàn toàn cậy dựa vào Chúa.

Chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi, yếu hèn của chúng ta trong tinh thần chay tịnh và hướng nhìn lên Chúa với niềm tin trong lời cầu: Chỉ có Chúa là sức mạnh cho con ẩn thân…

Ý lực sống: “Lạy Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,

là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 91,2).

Suy Niệm 5: Chúa chữa người động kinh

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Tin mừng kể lại việc Đức Giêsu chữa một đứa bé bị kinh phong. Có thể nói, không có gì là đặc biệt, nếu phép lạ được thực hiện do Đức Giêsu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự. Nhưng điều quan trọng là phép lạ có thể xảy ra  là do đức tin của con người. Thật thế, trong bất cứ phép lạ nào, Đức Giêsu cũng đòi hỏi con người phải tin, hoặc chính đương sự, hoặc cha mẹ hay người bảo trợ. Là Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu yêu thương và muốn chữa con người khỏi mọi bệnh tật; nhưng mỗi khi thực hiện phép lạ để cứu chữa một người nào, Ngài cũng đòi hỏi phải có đức tin.

Một ông tướng quyết định tấn công, cho dù binh lính của ông chỉ bằng một phần mười quân địch. Ông quả quyết rằng sẽ thắng, nhưng lính của ông rất nghi ngờ.

Vì thế, trên đường đi tới trận chiến, ông dừng lại ở một nhà thờ và vào cầu nguyện. Khi ông trở ra, ông nói: “Tôi sẽ tung một đồng tiền lên. Nếu nó ngửa, chúng ta sẽ thắng. Nếu nó sấp, chúng ta sẽ thua. Vận mệnh bây giờ sẽ được tiết lộ nơi đó”.

Ông tung đồng tiền lên. Nó ngửa. Những người lính rất hăm hở vào trận đấu và tin rằng họ sẽ thắng cách dễ dàng.

Hôm sau, một sĩ quan có niềm tin mạnh mẽ nói với tướng quân: “Kết quả cho ta thấy rằng không ai có thể thay đổi  cánh tay vận mệnh”

Tướng quân trả lời: “Rất đúng”, và cho anh hay rằng đồng tiền có hai mặt ngửa” (Góp nhặt).

Quả thật, đức tin và đời sống cầu nguyện dường như là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Muốn có đức tin phải cầu nguyện. Lúc cầu nguyện cũng phải có đức tin. Không có đức tin thì lời cầu nguyện  trở thành trống rỗng không có đối tượng. Có đức tin nhưng không được bổ dưỡng bằng cầu nguyện thì đức tin ấy chẳng bao lâu sẽ bị chết yểu. Ngược lại, cầu nguyện mà không có đức tin thì lời cầu nguyện cũng trở thành vô nghĩa, không có mục đích.

Không gì bất hạnh bằng khi không có niềm tin trong cuộc sống. Thế nên, Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói với một phóng viên: “Muốn có đức tin ông phải cầu nguyện”. Người ta phải cầu nguyện mới có đức tin, bởi vì đức tin là một ân ban bởi trời.

Đức tin không là kết quả của cuộc tìm kiếm. Triết gia Blaise Pascal đã có lần nói: “Nếu bạn muốn có đức tin, bạn hãy quỳ gối xuống và cầu nguyện”.

Một tác giả khuyết danh đã viết một câu chuyện thú vị có tên “Đại hội Satan” (Lm. Phan Quang SDV dịch, nguồn internet) để nói về phương cách cám dỗ. Mục tiêu Đại hội này nhắm tới là đưa ra kế sách cám dỗ con người thời nay. Phương án tối ưu được Đại hội nhất trí thông qua là “Phải tìm cách cướp đi thời giờ của đám đồ đệ Giêsu – Làm thế nào, chúng nó sẽ không còn thời gian để mà thể nghiệm Giêsu trong cuộc sống của nó nữa”. Điều mà Đại ca Satan muốn các tiểu quỷ phải làm: Dụ dỗ nó tiêu tiền… để rồi phải bận rộn với các kế hoạch kiếm tiền; đổ đầy tâm trí tụi nó những tin tức tiêu cực hầu gây kích động, và dùng những thứ văn hoá đồi trụy để đẩy chúng đến chỗ ăn chơi bạt mạng… Theo nhận định của Đại ca Satan: “Nếu như chúng nó và Giêsu một khi đã thiết lập quan hệ thì khả năng chống chế của chúng ta  kể như đi đoong. Đến lúc đó, chúng ta sẽ sập tiệm”.

Sự ác đang lan tràn và nhiều người bất lực trong việc chống trả, kể cả các Kitô hữu. Ngày xưa các Tông đồ cũng đã đương đầu với khó khăn này: “Tại sao chúng con đây không trừ nổi tên quỷ ấy?” Giải pháp của Chúa là: “Chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (5 phút Lời Chúa).

Các Tông đồ không trừ được quỷ, không phải vì quyền năng trước đó Đức Giêsu ban cho các ông khi đi truyền giáo không đầy đủ, nhưng do các ông ỷ lại vào sức mình,

Theo đoạn kết Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu bảo các môn đệ rằng chỉ trừ được quỷ này bằng lời cầu nguyện, nghĩa là phải dùng sức mạnh của Chúa mới trừ được mà muốn có sức mạnh từ nơi Chúa thì phải kết hợp với Người qua đời sống cầu nguyện.

Trong khi các môn đệ lúc “vắng Chúa” đã ỷ vào sức riêng mình để làm phép lạ, vì cứ tưởng mình có quyền ấy mà không cần đến Chúa. Đó cũng là một sự yếu kém về đức tin. Không ít người trong chúng ta cũng thế, khi thành công thì luôn nghĩ là do tài năng của mình mà quên Chúa, khi khó khăn  hay đứng trước mưu ma chước quỷ lại dại dột dùng sức riêng để chống lại và rồi thất bại ê chề. Hôm nay Đức Giêsu nhắc cho chúng ta rằng, quỷ chỉ sợ cầu nguyện, vì khi cầu nguyện là chúng ta đang dùng lấy sức mạnh của Chúa mà làm cho ma quỉ khiếp đảm.

Truyện: Hãy ăn chay và cầu nguyện

Ngày nọ, một linh mục đến hỏi thánh Gioan Vianney bí quyết làm cho xứ đạo được đạo đức, thánh thiện. Thánh nhân trả lời:

– Ngài đã làm gì rồi?

Cha kia đáp:

– Con đã tổ chức hội đoàn, con mời gọi học giáo lý, con cho thực hiện những cuộc rước kiệu… Thế nhưng xứ con giáo dân vẫn lười biếng, bê bối.

Thánh Vianney hỏi lại:

– Thế cha đã ăn chay cầu nguyện chưa?

Nghe câu hỏi đó cha sở này thú thực là chưa.

– Vậy cha hãy về ăn chay, cầu nguyện nhiều hơn, xứ đạo cha sẽ biến đổi.

Suy Niệm 6: Cần cầu nguyện và ăn chay

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Câu chuyện chúng ta vừa nghe xảy ra vào lúc Chúa Giêsu và 3 môn đệ Gioan, Phêrô và Giacôbê đang ở trên núi khi Chúa biến hình.

Trong lúc Chúa Giêsu vắng mặt, người ta đem đến cho 9 môn đệ kia một đứa trẻ bị quỷ câm ám xin các ông chữa nó nhưng các ông bất lực không trục xuất được tên quỷ này.

Sự thất bại này các môn đệ cảm thấy mất mặt. Đám đông dân chúng xúm vào phê phán các ông, và các ông cố gắng chống chế. Do đó xảy ra một cuộc tranh luận.

Thấy Chúa Giêsu về, người ta mừng rỡ trình bày sự việc cho Ngài.

Phản ứng của Chúa Giêsu đầu tiên là khó chịu. Ngài trách và than: “Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ nữa! Ta còn phải chịu đựng các ngươi tới bao giờ nữa?” (Mc 9,19)

2. Khi còn lại một mình với Chúa Giêsu, các môn đệ hỏi Chúa về lý do làm họ thất bại, Chúa cho họ biết thêm một lý do nữa là vì họ thiếu cầu nguyện và ăn chay.

Như thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói cho mọi người biết: Chúa là đấng có uy quyền trên cả ma quỉ dù ma quỉ rất mạnh. Và môn đệ của Chúa cũng có thể có được quyền uy này nếu họ có lòng tin vững chắc, ăn chay và cầu nguyện.

Có một giai thoại về mẹ Têrêsa Calcutta mà người ta hay kể cho nhau nghe. Một lần kia, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, mẹ Têrêsa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội Công giáo. Ông ta đặt cho mẹ Têrêsa câu hỏi:

– Bà yêu thương và phục vụ người nghèo, tốt lắm, thế còn bao nhiêu của cải của toà thánh Vatican và Giáo Hội thì sao?

Mẹ nhìn thẳng vào mắt người phóng viên và nói với ông:

– Ông quả là người không được hạnh phúc, có một cái gì đó đang gặm nhấm tâm hồn ông. Ông không có sự bình an trong tâm hồn.

 Lời nói đơn sơ và thành thực của mẹ Têrêsa như một mũi tên phóng vào tim người đối diện, khiến ông để lộ sự bối rối trên khuôn mặt của ông. Mẹ Têrêsa như người mẹ hiền ân cần lo lắng đã ôn tồn nói với ông:

– Tôi nghĩ rằng, ông nên có đức tin.

Trước câu trả lời của mẹ, người phóng viên như cá cắn lưỡi câu. Hình như có một sức mạnh nào đó đánh động vào tận cõi lòng của ông, nên không một chút e ngại ông thành thật hỏi mẹ:

– Tôi phải làm gì để có đức tin?

Mẹ Têrêsa đáp:

– Ông hãy cầu nguyện, mẹ Têrêsa dịu dàng nói với ông, và tôi cũng sẽ cầu nguyện cho ông.

Đức tin – Cầu nguyện dường như là hai yếu tố không thể tách lìa nhau. Muốn có đức tin phải cầu nguyện – Lúc cầu nguyện cũng phải có đức tin. Không có đức tin thì lời cầu nguyện trở thành trống rỗng không có đối tượng. Có đức tin nhưng không được bổ dưỡng bằng cầu nguyện thì đức tin ấy chẳng bao lâu cũng sẽ bị chết yểu. Ngược lại, cầu nguyện mà không có đức tin thì lời cầu nguyện cũng trở thành vô nghĩa, không có mục đích.

Người ta kể lại rằng, có một giáo xứ nọ ở đồng quê đang phải trải qua một cơn nắng hạn lâu dài, đồng ruộng khô cằn, súc vật chết dần chết mòn, người ta cũng còn bị đe dọa chết đói. Mọi người đến cầu cứu với vị linh mục. Ngài quả quyết như sau:

– Không gì có thể cứu vãn chúng ta, ngoại trừ cầu nguyện. Tôi đề nghị mọi người hãy đến nhà thờ đọc kinh cầu mùa để xin Chúa ban mưa xuống. Nhưng trước khi tập trung ở nhà thờ để cầu nguyện chung với nhau, tôi xin mọi người trong giáo xứ hãy về nhà ăn chay một tuần và hãy tin tưởng rằng, Chúa sẽ nhận lời, và sáng Chúa nhật chúng ta sẽ tập trung lại để cầu nguyện.

Sau một tuần ăn chay, tất cả đều tập trung lại để cầu nguyện. Vừa thấy họ, vị linh mục đã nổi giận: – Anh chị em hãy đi về, tôi sẽ không cầu nguyện cho trời mưa, bởi vì anh chị em không có lòng tin.

Nghe thế, mọi người đều chống chế:

– Thưa cha, nếu không tin thì chúng con đã không ăn chay suốt một tuần qua.

Vị linh mục nói lớn:

– Anh em tin ư? Tin, nhưng tại sao anh chị em không mang dù theo?

Không gì bất hạnh bằng khi không còn niềm tin trong cuộc sống. Thế nhưng, như mẹ Têrêsa còn nói “Muốn có đức tin, ông phải cầu nguyện”. Người ta phải cầu nguyện mới có đức tin, bởi vì đức tin là một ân ban từ trời.

Đức tin không là kết quả của một cuộc tìm kiếm. Triết gia Pascal đã có lần nói: “Nếu bạn muốn có đức tin, bạn hãy quì gối xuống và cầu nguyện”.

Vâng, cầu nguyện sẽ làm cho đức tin thêm sức mạnh và đức tin sẽ làm cho những lời cầu nguyện của chúng ta có chất lượng hơn.

Lạy Chúa xin dạy chúng con cầu nguyện.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.

*Xin bấm vào đọc Kinh Phụng Vụ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: