
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY NĂM A.
BÀI ĐỌC I: Xh 17, 3-7
“Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống”.
Bài trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy”. Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: “Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”.
Chúa liền phán bảo Môsê: “Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel.
Ông đặt tên nơi đó là “Thử Thách”, vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: “Chúa có ở với chúng tôi hay không?”
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!” (c. 8)
1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.
BÀI ĐỌC II: Rm 5, 1-2. 5-8
“Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta.
Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 4, 42 và 15
Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.
PHÚC ÂM: Ga 4, 5-42 (bài dài)
“Mạch nước vọt đến sự sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu. Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”. Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa”. Chúa Giêsu bảo: “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây”. Người đàn bà đáp: “Tôi không có chồng”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Bà nói “tôi không có chồng” là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó”. Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”.
Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”. Người đàn bà thưa: “Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: “Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?”
Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Ðấng Kitô?” Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: “Xin mời Thầy ăn”. Nhưng Ngài đáp: “Thầy có của ăn mà các con không biết”. Môn đệ hỏi nhau: “Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?”
Chúa Giêsu nói: “Của Thầy ăn là làm theo ý Ðấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Ðúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm”. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ.
Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.
Đó là lời Chúa.
1. Cho Tôi xin chút nước uống–‘Manna’ – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.
Suy Niệm
Sau nửa ngày hành trình từ Giuđê về Galilê,
Đức Giêsu nghỉ mệt bên một giếng nước ở vùng Samari.
Ngài vừa đói vừa khát, giữa cái nắng ban trưa.
Các môn đệ vào thành mua thức ăn.
Còn lại một mình Đức Giêsu ngồi bên bờ giếng.
Chính nơi đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Ngài
và người phụ nữ Samari vốn bị coi là ô nhơ.
Đức Giêsu bắt đầu gieo hạt
để chuẩn bị cho mùa gặt mai sau của các môn đệ.
“Cho tôi chút nước uống.”
Đức Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời nài xin.
Ngài chẳng sợ thú nhận sự thiếu thốn của mình.
Xin nước uống là làm một cuộc cách mạng,
là bắc một nhịp cầu qua vực sâu
ngăn cách hai dân tộc Samari và Do thái
vốn dĩ đã thù ghét và xa lánh nhau từ bốn thế kỷ.
Chẳng ai hiểu nổi một bậc thầy như Đức Giêsu
lại nói chuyện và xin nước một phụ nữ Samari.
Đức Giêsu đã cúi mình phá bỏ những hàng rào
để xây dựng một cuộc đối thoại đích thực và bình đẳng.
“Cho tôi chút nước uống.”
Ngài là người xin nước trước khi là người cho…
Chúng ta cũng có nhiều điều phải xin
nơi chính những người cần chúng ta giúp đỡ.
Đức Giêsu cho thấy Ngài có một thứ nước lạ lùng,
uống vào không còn khát nữa.
Người phụ nữ vội vã xin Ngài thứ nước kỳ diệu đó.
Chị đâu ngờ chính mình đã bắt đầu được nếm rồi.
Nước đó chính là Lời của Đức Giêsu,
Lời vén mở dần dần con người thâm sâu của Ngài.
Đức Giêsu cho thấy Ngài biết rõ gia cảnh của chị.
Cái biết của Ngài không nhằm soi mói, nhưng để cảm thông.
Cái biết của Ngài về những điều riêng tư thầm kín
đã khiến chị coi Ngài là một ngôn sứ đáng tin.
Từ đó, chính chị gợi lên vấn đề tôn giáo,
một vấn đề khiến chị rất bận tâm;
Chính chị nói lên niềm mong đợi của mình về Đấng Mêsia,
Đấng sẽ đến dạy dỗ mọi sự (Ga 4,25);
rồi cũng chính chị đã bỏ vò nước lại
mà hân hoan chạy đi giới thiệu Đức Giêsu cho đồng bào.
Chị đã tìm thấy thứ nước tuyệt diệu nơi Đức Giêsu.
Ngài từ từ tỏ mình cho chị:
“Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
Không thấy nói đến chuyện Đức Giêsu ăn hay uống.
“Lương thực của Thầy là thi hành ý Đấng đã sai Thầy.”
Đức Giêsu chỉ đòi một điều, đó là nuôi dưỡng nhân loại.
Ngài chỉ khát một điều, đó là ban nguồn nước sự sống.
Chúng ta có dám chia sẻ cơn đói khát của Ngài không?
Gợi Ý Chia Sẻ
Khi chiêm ngắm Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng trên đây, bạn thấy đâu là những thái độ cần thiết mà người rao giảng Lời Chúa hôm nay cần có?
Con người đói khát cơm gạo và nước uống tinh khiết. Theo ý bạn, giới trẻ hôm nay đói khát điều gì hơn cả (tình bạn, tình yêu, lòng tin, niềm hy vọng, ý nghĩa cho cuộc sống, sự trung thực…)? Kitô giáo có thể giúp gì cho giới trẻ?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Âu-tinh).
2. Nhịp cầu thiêng liêng–TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Từ khi cầu Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng, con đường về miền Tây như ngắn lại, đôi bờ sông Tiền gần gũi nhau hơn. Đời sống thần linh và đời sống phàm trần cũng như hai bờ sông cách xa vời vợi. Cần có những nhịp cầu nối liền dòng sông thiêng liêng giúp con người đi về gặp gỡ Thiên Chúa.
Hôm nay, khi mở đầu câu chuyện với người phụ nữ Samaria, Đức Giêsu đã bắc những nhịp cầu nối liền dòng sông ngăn cách. Thái độ gần gũi của Người là nhịp cầu xoá đi biên giới ngăn cách chủng tộc, tôn giáo. Lời Người chính là nhịp cầu dẫn vào đời sống thần linh.
Đức Giêsu gặp người phụ nữ bên bờ giếng nước. Người phụ nữ nhìn Đức Giêsu bằng ánh mắt khinh miệt. Dưới mắt chị, đó chỉ là một gã Do Thái bẩn thỉu. Còn tệ hơn thế, anh chàng Do Thái này nghèo mạt rệp, đang đói khát, mệt mỏi rã rời, chỉ chờ chực xin ăn, xin uống. Chị hợm mình, vì chị có tất cả. Chị có giếng nước của tổ tiên. Đối với người Sêmít, có nước là có tất cả. Ở giữa vùng sa mạc mênh mông, nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Vì nhờ có nước, cây cỏ mọc lên xanh tươi, gia súc có lương thực, con người mới sống được. Ai chiếm được nguồn nước, người ấy lập tức trở nên giàu có.
Người phụ nữ có giếng nước, có cả bình múc nước. Chị còn có gia đình. Chị còn có đền thờ vững chắc xây dựng trên núi Garidim, trách nào chị chẳng hợm mình.
Nhưng Đức Giêsu đã phá tan sự an thân giả tạo của chị. Người cho chị thấy giếng nước của chị chỉ là phù du, vì giếng nước ấy không cho nước hằng sống. Người cho chị thấy hạnh phúc gia đình mà chị đang có chỉ là hư ảo, vì hạnh phúc ấy xây dựng trên chỉ một mối duyên hờ. Người cho chị thấy niềm tin của chị vào đền thờ chỉ là ngụy tín, vì đền thờ chỉ là gạch đá vô hồn, không có Chúa ngự bên trong.
Trong phút chốc, chị trở nên thật nghèo nàn. Trước kia chị tưởng mình có tất cả. Nay chị thấy mình trắng tay. Trước kia chị tưởng mình giàu có. Nay chị nhận thức rõ mình thật nghèo nàn. Bóc đi tất cả những lớp vỏ phù du bọt bèo, chị thấy mình trơ trụi, khốn cùng. Nhưng từ đáy vực khốn cùng ấy một niềm tin nhen nhúm, một mạch suối trào dâng.
Chị chợt tỉnh ngộ. Những thứ mà trước kia chị tưởng là thành lũy che chở cuộc đời, hoá ra chỉ là những tảng đá ngăn chặn nguồn suối. Tháo gỡ đá đi rồi, mạch suối dào dạt trào tuôn.
Những thứ mà trước kia chị tưởng là nơi nương tựa êm ấm, hoá ra chỉ là tổ kén giam kín đời sâu. Trút bỏ được lớp vỏ xù xì cũ kỹ, sâu nay hoá bướm đẹp lộng lẫy, tự do bay tung tăng khắp chốn.
Thì ra, của cải, dục vọng, tôn giáo vụ hình thức là những tấm màn che mắt, không cho chị nhận ra Đấng Cứu Thế. Ta hãy trở lại phút đầu tiên, khi Đức Giêsu ngỏ lời xin nước. Lúc đó, bị các tấm màn che mắt, chị chỉ thấy một anh chàng Do Thái xấu xa, đói rách: “Ông là Do Thái mà lại xin nước tôi ư?”. Nhưng Lời Chúa như lưỡi gươm sắc bén, phá tan màn mây mù che mắt chị. Nhát gươm thứ nhất vung lên, một mảnh vảy mắt rơi xuống. Chị nhìn ra người đối diện “cao cả hơn tổ phụ Giacóp”. Nhát gươm thứ hai vung lên, một mảnh vảy nữa rơi xuống. Chị nhận ra Người là “một tiên tri”. Một nhát nữa vung lên, mảnh vảy cuối cùng rơi xuống. Chị nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Và chị tin vào Người.
Niềm tin trào dâng. Hạnh phúc trào dâng. Chị quên cả múc nước, quên cả bình, chạy về làng báo tin vui.
Chị để quên chiếc bình, vì chiếc bình từ nay trở nên vô dụng. Cùng với chiếc bình, chị bỏ lại cả giếng nước, cả người chồng hờ, cả ngôi đền thờ trống rỗng.
Lời Chúa như lưỡi gươm sắc bén chẻ đôi đời chị. Mảnh đời cũ để lại bên giếng, kho tàng của trần gian. Mảnh đời mới ngụp lặn trong dòng suối đức tin, kho tàng thiên quốc.
Lời Chúa là ngọn đèn soi đường. Nên chị bước đi những bước lẹ làng, vững chắc hướng về sự sống mới.
Lời Chúa là chiếc cầu đưa chị vào đời sống thần linh. Chị bỏ lại bên này cầu chiếc bình múc nước, vì bên kia cầu chị đã có mạch nước trường sinh. Chị bỏ lại bên này cầu mối duyên hờ, vì bên kia cầu chị đã găp được tình yêu đích thực. Chị bỏ lại bên này cầu ngôi đền thờ trống rỗng, vì bên kia cầu chị gặp được Đấng chị phải tôn thờ trong tinh thần và chân lý. Chị như cánh đại bàng bay bổng trên trời cao với những đường bay rất đẹp.
Về đại bàng, Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện rất sâu sắc. Một người nông dân vào rừng, lượm được một trứng đại bàng. Anh đem về cho ấp chung với trứng gà. Ít lâu sau đại bàng nở ra cùng lũ gà con. Nó cứ tưởng mình là gà. Suốt ngày theo gà mẹ bới đất mổ sâu. Nó cứ sống kiếp gà như thế cho đến lúc già. Một hôm nó thấy trên trời xanh một con chim lớn khủng khiếp, cánh giang rộng như che kín cả bầu trời. Con chim bay thật cao và có những đường lượn thật là đẹp đẽ. Đại bàng ta kinh khiếp hỏi bác gà trống: “con gì mà khủng khiếp quá nhỉ”. “Đó là đại bàng. Đại bàng thuộc về trời cao. Chúng ta thuộc về đất thấp. Chúng ta chỉ là gà”. Đại bàng cứ sống kiếp gà như thế cho đến chết.
Người phụ nữ là cánh đại bàng. Chị đã trút bỏ mọi gánh nặng kéo trì đôi cánh, nên chị bay vút lên cao. Còn ta vẫn chỉ là loài gà. Ta vẫn còn bên này cầu. Những gì người phụ nữ bỏ lại, ta ôm lấy mang về. Ta vẫn còn ôm ấp những giấc mơ trần tục. Của cải, dục vọng vẫn là những tảng đá ngăn chặn dòng nước đức tin. Những ngụy tín, những ảo tưởng, những thứ đạo đức hình thức, giả hiệu vẫn còn che chắn không cho ta nhận biết chính mình. Và vì thế ta không bao giờ gặp được Chúa.
Xin lời Chúa như lưỡi gươm tách bạch trắng đen, để ta dứt lìa tội lỗi, thoát khỏi thói an tâm giả tạo, thói đạo đức hình thức. Xin lời Chúa tháo đi những tảng đá trì trệ, để dòng suối tin yêu khai thông, để nước mắt sám hối tuôn trào rửa sạch hồn ta. Và để tình yêu bừng nở đem cho ta hạnh phúc chân thật.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Đức Giêsu đã thành công trong việc đưa người phụ nữ Samaria về nhận biết chân lý. Ta có thể học hỏi được gì ở nơi Người để thành công trong việc truyền giáo?
2) Đang thoả mãn với vật chất, người phụ nữ Samaria chợt thấy thiếu thốn về mặt tâm linh. Đây là một cuộc hoán cải quan trọng, là một ơn Chúa ban. Bạn đã bao giờ được ơn sám hối để thấy khao khát đời sống tâm linh chưa?
3) Đã bao giờ bạn cảm thấy Đức Giêsu là nguồn suối trong lành, là nguồn mạch hạnh phúc của bạn?
Suy niệm:3 (Giáo Phận Phú Cường)
Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ xứ Samari ở bên bờ giếng Giacop. Cuộc đối thoại thực sự bắt đầu khi Đức Giêsu lợi dụng biểu tượng phong phú của nước để mời gọi người phụ nữ xứ Samari khám phá căn tính của Người: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người đang nói với chị: cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống ” (Ga 4:10).
Đức Giêsu lợi dụng biểu tượng phong phú về “nước hằng sống” để mời gọi người phụ nữ khám phá ra căn tính của Đấng không chỉ là ân huệ Thiên Chúa, nhưng còn là Thiên Chúa, Đấng đến từ trên cao, từ trời và mời gọi chị tiếp nhận lời của Người, lời đến từ nguồn mạch sự sống.
Nước Chúa ban là nước trường sinh. Nguồn nước ân thánh tinh khiết có khả năng chữa lành các thương tích của tâm hồn và làm hồi sinh những tâm hồn đang chết trong đam mê tội lỗi. Người phụ nữ Samari là người may mắn đầu tiên được lãnh nhận nguồn nước ân thánh đó, và tâm hồn chị được tha thứ, được rửa sạch và đã khác. Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành báo tin cho dân làng biết có thứ nước hằng sống, nước trường sinh mà mọi người đang khao khát, đó là Đấng Kitô, là Thiên Chúa cứu độ, là Đấng Mêssia họ đang mong đợi. Vì chính Đấng ấy đã nói với chị: “Chính tôi là Đấng đang nói với chị đây”.
Hôm nay Chúa viếng thăm người thiếu phụ Samaria và chị đã được tỉnh ngộ. Chị đã làm lại cuộc đời. Hằng ngày Chúa cũng đến thăm chúng ta qua thánh lễ, qua Lời Chúa và các bí tích, nhưng liệu chúng ta đã tìm được nguồn suối ân sủng của Người hay ta vẫn còn loay hoay ngụp lặn trong những ảo ảnh trần gian? Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy tự kiểm điểm lại đời sống của mình: tôi đang khao khát những gì? Tôi thường tìm thoả mãn về những điều gì? Điều đó có giúp tôi nên thánh hay đang huỷ hoại mình trong những cơn đói khát bất chính?
Lạy Chúa, xin khơi dậy nơi chúng con nỗi khao khát hướng về Chúa, nỗi khao khát được Chúa cứu độ và yêu thương. Amen.
Suy Niệm: 4
GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ, BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI MÌNH
“Đấng Mê-si-a chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (Ga 4,14)
Suy niệm:Chúa Giê-su khéo léo dẫn người phụ nữ Sa-ma-ri đi từ cơn khát tự nhiên đến cơn khát siêu nhiên, từ nước uống thường đến nước hằng sống. Ngài biến đổi chị từ chỗ đang là người cho nước thành người đi xin nước. Sau cùng, chị nhận ra Chúa là Đấng Mê-si-a, và chị tin vào Ngài. Câu chuyện Tin Mừng cho thấy Chúa luôn tỏ mình với những ai thành tâm đi tìm Chúa: “Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV). Một việc tưởng như tầm thường như xin một ngụm nước lại trở thành cơ hội cho người ta tìm và gặp Chúa, Đấng Cứu Độ.
Mời Bạn: Trong cuộc sống chúng ta có biết bao nhiêu cơ hội để gặp Chúa và được biến đổi. Chúa đến trong những phút giây thoáng qua, qua những biến cố nhỏ bé tầm thường của đời bạn. Một sự quan tâm nho nhỏ đến tha nhân, một lời nói tử tế, một cử chỉ thân ái với những người đang sống quanh bạn, tất cả đều có thể trở thành cơ hội để bạn gặp gỡ Chúa và để Ngài biến đổi bạn. Ý thức như vậy, bạn sẽ thấy cuộc đời đầy ý nghĩa, chứ không vô nghĩa.
Chia sẻ với nhau về một lần “chợt nhận” ra Chúa đi qua đời bạn, đã “chụp” lấy bạn, đã biến đổi bạn, như Sao-lô trên đường Đa-mát, như Gia-kêu trên cây sung, như Lê-vi bên bàn thu thuế…
Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi “tỉnh thức” để nhận ra Chúa đang tỏ mình cho tôi qua những người và sự việc xảy đến với tôi hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con luôn biết quan tâm đến tha nhân và yêu thương họ, để qua họ con gặp được Chúa và để Chúa biến đổi đời con.
Suy niệm: 5 . Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
KHÁT NƯỚC TRƯỜNG SINH
Nước không thể thiếu trong sinh hoạt của con người. Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể con người. Người ta không thể sống nếu không có nước. Từ sợ cần thiết của nước trong đời sống thường ngày, các bài đọc Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta đến mạch Nước Trường Sinh, là chính Đức Giêsu Kitô – Đấng cứu độ trần gian.
“Cho chúng tôi nước uống đi”. Đó là những tiếng than van kêu trách của dân Israen trong sa mạc Masa và Mêriva. Trong cơn khát nước, dân Israen quên mất hồng ân được giải phóng khỏi cảnh nô lệ Ai cập. Họ nghi ngờ: Không biết có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không? Dầu vậy, Đức Chúa vẫn giàu kiên nhẫn, đầy yêu thương mà đáp ứng cơn khát của họ, khi sai Môsê dùng cây gậy đập vào tảng đá khiến nước trào ra. Hình ảnh ông Môsê như tiên báo Chúa Kitô sẽ dùng cây Thập giá đem ơn cứu độ dư tràn cho nhân loại (x. Xh 17,3-7).
Thánh Phaolô đã nhìn thấy ý nghĩa này, như trong lá thư ngài viết cho các tín hữu Rôma xưa, cũng là cho mỗi chúng ta hôm nay: Trong Đức Kitô nhờ lòng tin, chúng ta được nên công chính, được bình an với Thiên Chúa, được hưởng ân sủng Thánh Thần. Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (x. Rm 5,1-2.5-8).
Bài Tin mừng theo thánh Gioan nói về hoạt động truyền giáo của Chúa Giêsu tại thành Xykha, xứ Samari. Thánh sử đã tường thuật câu chuyện này một cách hết sức sống động:
Chúa Giêsu vừa trải qua một quãng đường dài mệt nhọc, Ngài ngồi xuống bờ giếng Giacóp, giữa cái nắng trưa oi ả, thì bỗng nhiên có một người phụ nữ từ trong làng tiến ra lấy nước. Chúa Giêsu chủ động gợi chuyện: “Chị cho tôi xin chút nước uống”, câu hỏi khá bất ngờ làm người phụ nữ tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ông là người Do thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?” Rồi câu chuyện tiếp diễn với chủ đề nước. Từ nhu cầu nước tự nhiên, Chúa Giêsu mạc khải cho chị biết chính Ngài là mạch Nước Trường Sinh sẽ làm cho chị hết khát và được sống đời đời.
Qua cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu, người phụ nữ Samari trải nghiệm từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên, chị chỉ thấy Chúa Giêsu là một người đàn ông Do thái đi đường (c.6), đến xin chị nước uống (c.9). Rồi chị tự hỏi: “Phải chăng ông lớn hơn cả tổ phụ Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng nước này…” (c.12). Tiến thêm một bước nữa, chị công nhận Chúa Giêsu là một Tiên tri (c.19), và cuối cùng chị tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai đến dạy dỗ con người mọi sự (c.25).
Từ cuộc hạnh ngộ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari giúp chúng ta liên tưởng vào cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu vẫn ngồi chờ đợi ta bên bờ giếng cuộc đời của mỗi chúng ta. Ngài tự hạ, kiên nhẫn nài van chúng ta: Cho tôi xin chút nước uống! Nếu chúng ta chân thành mở lòng ra, thổ lộ với Chúa nỗi “khát khao nên thánh” của ta như người phụ nữ Samari xưa, thì chính Chúa sẽ chữa lành cơn “khát” của chúng ta.
Qua Bí tích Thanh tẩy chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi nhờ Đức Giêsu Kitô – Mạch Nước Trường Sinh. Thế nhưng cũng giống như dân Israel trong sa mạc hay như người phụ nữ Samari xưa, chúng ta vẫn còn khát: khát dục vọng, khát của cải, khát quyền lực, khát đủ thứ thế gian… đến nỗi nhiều lần chúng ta đã kêu trách, thử thách, thiếu tín thác vào Chúa.
Vậy thì Lời Chúa trong Chúa nhật III Mùa chay này đang thúc bách chúng ta hãy phó dâng mọi khát vọng nơi Thiên Chúa vì chỉ có Thiên Chúa là Cha toàn năng mới có thể lấp đầy nỗi khát vọng của chúng ta.
Suy niệm: 6 . Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
KHÁT KHAO NƯỚC HẰNG SỐNG.
A. DẪN NHẬP
Trong sa mạc khô cháy, nước là một nhu cầu khẩn thiết cho cuộc sống. Dân Israel thiếu nước trầm trọng trong sa mạc. Thiên Chúa đã thỏa mãn nhu cầu của họ bằng cách truyền cho ông Maisen lấy gậy đập vào tảng đá, nước tuôn trào lai láng cho dân và đàn gia súc giãn cơn khát (Bài đọc 1). Tuy nhiên, nước đó mới là nước vật chất làm thỏa mãn thể xác được chốc lát, Đức Giêsu tại bờ giếng Giacóp còn giới thiệu cho người phụ nữ Samaria một thứ nước khác, một thứ nước uống vào sẽ không bao giờ khát nữa, nước đó là Nước Hằng Sống. Chúa sẽ ban thứ nước ấy cho những ai biết tin nhận Đức Giêsu vì chính Ngài là nguồn nước trường sinh.
Ai trong chúng ta mà không khát nước? Không có nước, con người không thể sống được. Vì vậy người ta đang có nỗ lực tạo ra những nguồn nước sạch cung cấp cho cuộc sống hằng ngày, và nhu cầu tiêu thụ nước càng ngày càng tăng, càng cấp bách. Nhưng đó chỉ là nước vật chất nhằm thỏa mãn nhữnng cơn khát của thân xác, uống vào vẫn còn khát.
Ngòai ra, người ta còn những cơn khát khác, đó là khát vọng tinh thần, những khát vọng vô biên, cần phải được thỏa mãn. Như trường hợp người phụ nữ Samaria, mặc dù ở bên giếng nước mà cõi lòng vẫn còn khát và cơn khát ấy chỉ có thể được thỏa mãn bằng một thứ nước siêu nhiên là nước Hằng sống mà Chúa Giêsu ban cho. Chúng ta cũng hãy khao khát đi tìm Chúa là nguồn nước hằng sống để được thỏa mãn cơn khát vọng vô biên, như đàn nai tìm đến suối nước trong, vì chính Chúa mới có thể thỏa mãn được mọi khát vọng của con người:
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
(Tv 61,2)
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Xh 17,3-7.
Thiên Chúa yêu thương dân Israel, đã chọn họ làm dân riêng của Ngài, nên đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ của người Ai cập. Trên cuộc hành trình về Đất hứa, Ngài đã nuôi dân bằng manna và chim cút, nhưng sau đó dân chúng thiếu nước uống. Họ cằn nhằn trách móc ông Maisen, họ nổi lọan định ném đá ông và định quay trở về Ai cập. Chúa đã can thiệp cho dân có nước uống. Theo lệnh của Chúa, ông Maisen lấy gậy đập vào tảng đá ở Horeb, nước liền chảy ra lai láng, dân chúng và đàn vật được uống thỏa thuê. Cũng chính nơi này, ông Maisen gọi là Meriba và Massa, có nghĩa là nơi dân Israel đã nổi lọan và thử thách Chúa.
Nhờ sự kiện này mà dân tin tưởng là Thiên Chúa luôn hiện diện bên họ, nâng đỡ họ, bênh vực họ và đưa họ về Đất hứa chảy sữa cùng mật.
+ Bài đọc 2: 5,1-2.5-18.
Trong thư gửi cho tín hữu Rôma, thánh Phaolô cho biết: Tình yêu Thiên Chúa là nền tảng niềm cậy trông. Dù gặp bao gian nan thử thách trong cuộc sống, ngài luôn tin tưởng vào Đức Kitô, chấp nhận tất cả để chỉ có một khát vọng là loan báo Tin mừng cho lương dân… Khi đã được trở lại với Chúa, Ngài chỉ còn biết sống cho Chúa Kitô, đồng lao cộng khổ với Ngài, cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài nên đã nói:”Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà Đức Kitô sống trong tôi”. Với Đức Kitô sống trong mình, thánh Phaolô đã trở nên một nguồn nước phong phú cứ muốn vọt ra. Niềm khao khát rao giảng Đức Kitô cho người khác đã thúc bách Ngài:”Caritas Christi urget me”.
+ Bài Tin mừng: Ga 4,5-42.
Bản văn Tin mừng hôm nay là một trong những đọan hay nhất và đẹp nhất của Tin mừng theo thánh Gioan. Ở đây ghi lại một cách thi vị và đầy tình người cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ ở giếng Giacóp. Không ngờ, ban đầu Đức Giêsu xin người phụ nữ Samaria cho nước uống, rồi qua câu chuyện trao đổi, Ngài lại mạc khải cho chị ta một thứ nước uống, uống vào sẽ không bao giờ khát, đó chính là nước Trường sinh:”Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”(Ga 4,13).
Qua lời hứa trên, Đức Giêsu cho biết Thiên Chúa không phải là một kẻ đối diện, không chỉ ở núi Garazim hay trong đền thờ Giêrusalem nữa, mà ở ngay trong chính con người chúng ta, làm thành một nguồn nước vọt ra sự sống đời đời. Hãy tin tưởng và trông cậy vào Ngài vì chính Ngài là nguồn nước trường sinh.
Qua câu chuyện trên, không những chị phụ nữ Samaria đã nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, chị còn loan báo cho dân làng nhận biết Đức Giêsu là Đấng mang lại ơn cứu độ, vì họ đã được mắt thấy tai nghe, không cần phải dựa vào lời chị phụ nữ nữa. Chúng ta cũng phải đi loan báo Đức Giêsu cho những người khác như vậy.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Niềm khát vọng của chúng ta
I. ĐỨC GIÊSU HỨA BAN NƯỚC HẰNG SỐNG
1. Tình hình tại vùng Samaria
Vào thời Đức Giêsu, xứ Palestina kéo dài từ bắc xuống nam dài gần 200 cây số, chia thành ba vùng: phía bắc là Galilea, phía nam là Giuđêa, và giữa hai phần đó là Samaria. Con đường ngắn nhất từ Giuđea đến Galilea là đi ngang qua xứ Samaria, mất khỏang ba ngày. Nếu muốn tránh Samaria thì phải đi đường vòng qua sông Giorđan thì xa gấp đôi. Đức Giêsu đã chọn đi con đường ngắn này.
Người Samaria nguyên gốc là người Do thái, nhưng do cuộc sống chuyển biến, họ có nhiều liên hệ với ngọai bang nên bị người Do thái cho là lai căng, thậm chí là bội giáo, và thường khinh thị, không muốn giao tiếp. Vì thế, luật sĩ Do thái quen nói:”Nước người Samaria ô trọc hơn tiết heo”.
Nghe tin Gioan Tẩy giả bị bắt giam, Đức Giêsu quyết định rời Giuđea, vì người biệt phái tỏ ra ghen tức, nghi kỵ, phản kháng (Ga 4,1). Ngài đã dùng con đường ngắn nhất để đi đến miền Galilêa là đi ngang qua Samaria. Đức Giêsu đã làm một cuộc hành trình đi Galilêa theo như Gioan viết:”Đức Giêsu tới thành gọi là Sikha thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng Giacóp, Đức Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khỏang giờ thứ sáu”(Ga 4,5-6).
2. Đức Giêsu xin nước uống
Giếng Gacóp này sâu 32 mét, phải có dây và gầu mới múc được nước. Đức Giêsu đang ngồi nghỉ mệt trên miệng giếng thì có một người phụ nữ ra múc nước. Ngài nói với chị ta:”Cho tôi chút nước uống”. Câu nói này có vẻ tự nhiên, nhưng theo tục lệ lúc bấy giờ thì thật lạ tai đối với nhiều người và không thể chấp nhận được. Đức Giêsu biết thế Ngài điềm nhiên phá bỏ tập tục đó. Đây là lần đầu tiên, song không phải là lần cuối. Các tông đồ cũng ngạc nhiên về chuyện này.
Còn đối với chị phụ nữ này, lời nói của Đức Giêsu cũng làm cho chị ta kinh ngạc, quay lại hỏi:”Tôi là người Samaria và ông là người Do thái, sao ông lại xin tôi cho ông uống nước”? Tác giả Gioan giải thích cho những độc giả Hy lạp của ngài rằng: người Do thái và Samaria vốn không giao tiếp với nhau. Đức Giêsu đã trả lời với chị ta:”Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống với, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống”.
3. Đức Giêsu ban nước hằng sống
Chị phụ nữ còn đang thắc mắc về câu nói của Ngài, Đức Giêsu trả lời tiếp cho chị:”Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”(Ga 4,4,14). Chị ta nói với Đức Giêsu:”Thưa Ngài, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”(Ga 4,15).
Qua câu chuyện trao đổi giữa Đức Giêsu và chị phụ nữ này, Ngài đã tiết lộ cho chị: chính Ngài là Đấng Messia, gọi là Đức Kitô. Chính Ngài sẽ ban cho chị và mọi người nước hằng sống. Ngòai ra, Ngài còn mạc khải một điều mới mẻ về việc tôn thờ: việc tôn thờ Thiên Chúa này khác với quan niệm của biệt phái và quan niệm của người thời bấy giờ:”Đã đến giờ và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý. Đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn” (Ga 4, 23).
4. Mục đích của câu truyện
Phải chăng thánh sử Gioan dùng mẩu truyện người phụ nữ này cốt ý cho mỗi người chúng ta đặt lại vấn đề đức tin của cá nhân mình. Mỗi người chúng ta, dù nam hay nữ, dù trong trạng thái nào của cuộc sống, có thể là một người phụ nữ Samaria, chúng ta cần gặp và trực diện với Đức Giêsu.
Có một câu nói trong sách của Hồi giáo như sau:”Khát thì tìm nước, nhưng nguồn nước cũng đi tìm người khát”. Đức Giêsu là nguồn nước sự sống Người tìm đến với mọi người chúng ta. Để tiến sâu vào con đường khám phá đức tin, chúng ta phải vượt qua được hiện cảnh của mình, như người phụ nữ, đào sâu vào quá khứ tội lỗi, nhận thực ra mình là ai. Và đó là giây phút được giải thóat, được thứ tha, được yêu thương, được nhận ra nguồn sống mới. Muốn bắt đầu cuộc hành trình đức tin thực sự, chúng ta phải cất bước đi tới.
II. NIỀM KHAO KHÁT CỦA TÂM HỒN TÔI
1. Khao khát nước uống thường ngày
Kinh nghiệm cho thấy nước vô cùng thiết yếu cho đời sống. Thiếu nhà cửa, quần áo, người ta vẫn sống được, thiếu thức ăn người ta cũng có thể sống được một thời gian dài, nhưng không có nước, người ta sẽ chết sau một vài ngày.
Khi dựng nên vườn địa đàng, Sách Thánh cho chúng ta biết, Thiên Chúa đã làm nên một con sông chẻ ra bốn nhánh để tưới tiêu cho sinh vật. Ông bà tổ tiên Adong Evà đã dùng nước ngọt ấy cho đến khi phạm tội thì mất, đất đai lại trở nên khô cằn.
Theo những số liệu thu thập được, hiện nay nguồn nước lòai người thừa hưởng trên hành tinh này thật phong phú, vào khỏang 1,3 tỉ đến 1,4 tỉ kilômét khối, trong đó nước mặn ở đại dương chiếm 98,77%, hai băng đảo (Bắc và Nam cực) chiếm 1,19%, nước trên mặt đất liền chiếm 0,017%, nước ngầm chiếm 0,007% và hơi nước trong khí quyển 0,001%.
Theo báo cáo của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, hiện nay có 1,2 tỉ người (1/4 dân số thế giới) không có đủ nước sạch để uống. Hằng năm có khỏang 15 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển chết vì bệnh mà nguyên nhân trước tiên là dùng nước bẩn.
Nước uống đối với nhiều nước trên thế giới đang có nguy cơ bị thiếu vì việc lãng phí nước uống trở thành nghiêm trọng. Đặc biệt là nhiều bể nước ngọt bị các phế thải công nghiệp làm ô nhiễm. Nước uống tại một số nước châu Âu được cho vào chai lọ để bán, Hà lan đã phải nhập nước uống từ Thụy điển.
Các nhà khoa học cho rằng tới năm 2000, số dân tăng nhanh, sẽ dùng hết một nửa tổng số nước ngọt có trên quả đất. Và có thể năm 2040, với việc tăng dân số lên gấp đôi, tòan số nước ngọt dự trữ sẽ không còn nữa (Báo Đại Đòan Kết, số 8, th 3/97, tr 6).
Hiện nay Việt nam chúng ta cũng thiếu nước sạch bởi vì nhiều nguồn nước đã bị các chất thải của các nhà máy công nghiệp làm ô nhiễm, nhiều nơi đã trở nên trầm trọng. Để giải quyết cấp thời, nhiều người đã sản xuất nước tinh khiết đóng chai đem bán trên thị trường, cung cấp nước sạch để tránh bệnh tật. Việc uống nước tinh khiết đóng chai, đóng thùng hiện nay đã trở nên phổ biến, ngay cả vùng nông thôn.
2. Những khát vọng tinh thần
Con người muốn vươn lên, muốn đạt tới hạnh phúc nhưng hạnh phúc còn xa tầm tay. Đồng ý rằng đã có những mảnh hạnh phúc, mỗi người có thể hưởng hạnh phúc ấy trong hòan cảnh cụ thể của mình như “được hoa mừng hoa, được nụ mừng nụ”, nhưng con người chưa thỏa mãn được những thứ hạnh phúc ấy, muốn vươn lên tới hạnh phúc tuyệt đối vĩnh cửu. Vì vậy, con người luôn có nhiều khát vọng, muốn cho mọi sự tốt đẹp được xẩy ra như:
– Khát khao chân lý vì cuộc sống đầy gian dối.
– Khao khát tự do trong một xã hội nhiều trói buộc.
– Khao khát công bình trong một môi trường đầy dẫy bất công.
– Khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều thù hận.
– Khao khát hạnh phúc trong cảnh sống bất hạnh.
– Khao khát niềm tin giữa cảnh đời đầy nghi kỵ.
– v.v….
Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng thâm sâu “Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống”.
Chúng ta hãy nhìn vào phụ nữ Samaria, mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng vẫn khát khao. Nàng thèm khát một tình nghĩa đậm đà. Nàng tưởng rằng tình đời sẽ thỏa mãn được cơn khát ấy nên nàng đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Nhưng đã trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là đời chồng thứ sáu mà nàng vẫn còn khát. Chỉ sau khi được gặp Đức Giêsu, trò truyện với Ngài và được Ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với Chúa thì nàng mới hết khát. Nàng còn chạy vào làng rủ thêm nhiều người đến với Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống đích thực (Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ A, tr 114).
Truyện: Erman Coen.
Erman Coen được mệnh danh là Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do thái rất giầu có. Thời trai trẻ, ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Ngày kia, ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện…
Trong buổi giảng Mùa Vọng tại nhà thờ Đức Bà Cả ở Paris, Ngài nói:
“Tôi đã đi khắp mặt đất, tôi đã yêu thế gian, tôi đã biết thế giới, và tôi đã học được rất nhiều: không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Nhưng tôi cũng như nhiều người khác đã vào tìm nó nơi không có. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng nó có, ở những nụ cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở nơi vàng bạc, ở nơi sắc đẹp…
Ôi lạy Chúa, điều con mong ước mọi giờ, mọi ngày con đã tìm ở đâu? Và con đã tìm được nó trong Chúa và tình yêu Chúa”.
3. Khao khát đi tìm Chúa
Ước vọng của con người không bao giờ được thỏa mãn vì con người vẫn muốn vươn lên đến cái gì tuyệt đối, mà ở trần gian này không có cái gì là tuyệt đối, tất cả chỉ là tương đối, hay nói đúng hơn: Tất cả là hư vô ! Tìm trong hư vô thì chẳng tìm được gì cả !
Tác giả Thánh vịnh 42 đã mô tả lòng con người luôn muốn hướng về Chúa, muốn tìm đến Chúa để được thỏa mãn tâm hồn như đàn nai giải khát bên dòng suối:
Như nai rừng mong mỏi
Tìm về suối nước trong.
Hồn con cũng trông mong
Tìm đến Ngài, lạy Chúa.
Thánh Augustinô đã đi tìm Chúa trong mọi nơi mà không thấy, tâm hồn ngài bị chao đảo như con thuyền giữa sóng gió biển khơi. Sau khi đã trở lại với Chúa, Ngài đã phải nói:”Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con luôn khắc khỏai cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Chỉ có Chúa mới thỏa mãn được những khát khao của con người. Đúng như Thánh vịnh 61,2 nói:
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Truyện: Thiên Chúa là gì?
Nhiều người đến gặp một thiền sư nổi tiếng để trình bầy với ông ta rằng: chúng tôi được sai đến để xin ông nói cho chúng tôi biết rõ: Thiên Chúa là gì?
Nhà hiền triết trả lời:
– Để tôi suy nghĩ rồi 8 ngày sau hãy trở lại.
Tám ngày trôi qua, họ trở lại thì vị thiền sư bảo:
– Hãy trở lại 8 ngày sau nữa.
Đúng 8 ngày sau họ quay trở lại và cũng nhận được câu trả lời như thế.
Cuối cùng quá bực mình vì cứ nghe một câu trả lời như nhau nên họ mới mỉa mai hỏi ông ta rằng:
– Cho đến lúc nào ông hết nói với họ câu: “Tám ngày sau hãy trở lại”.
Chính lúc đó vị thiền sư mới nghiêm mặt nói với họ:
– Tôi sẽ trả lời như thế mãi với các ông bao lâu còn hỏi tôi câu hỏi đó. Riêng tôi, tôi biết chắc rằng có Thiên Chúa. Người hiện hữu, nhưng tôi không thể và không bao giờ có thể nói được Ngài là gì (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, tr 18).
Thiên Chúa đâu có phải là đối tượng để lý trí con người tìm hiểu như một sự vật. Ngài là Đấng siêu việt, vượt trên mọi lý trí phàm nhân, Ngài là Đấng vô ngôn (ineffabilis) nghĩa là không thể dùng lời nói mà diễn tả được.
Ngay trong phạm vi tình yêu, người ta cũng chưa định nghĩa được tình yêu là gì, mà chỉ có thể cảm nghiệm được tình yêu. Cứ yêu đi thì mới biết tình yêu là gì như thánh Augustinô đã nói “ama et fac quod vis: cứ yêu đi rồi làm gì thì làm, nghĩa là sẽ hiểu được tình yêu.
Sở dĩ con người thời nay khó chấp nhận và khó tiếp cận được với thế giới siêu linh, với các chân lý tôn giáo là vì lòng trí họ chỉ muốn dừng lại trên những sự kiện vật chất bên ngòai để tìm hiểu tư duy hoặc chỉ dựa vào khả giác để lý giải mọi sự. Đó cũng là trường hợp của người phụ nữ Samaria khi nghe Chúa nói đến “nước hằng sống”, “nước siêu nhiên” thì chị ta không thể hiểu và chỉ nghĩ tới nước tự nhiên để uống. Hoặc các môn đệ đi mua thức ăn về mời Chúa dùng thì Chúa nói đến một thứ lương thực thiêng liêng cần hơn, các ông không hiểu và chỉ nghĩ đến các thức ăn thể xác. Do đó, với lối suy nghĩ quá vật chất, quá giới hạn trong không gian và thời gian thì con người mãi mãi cho các chân lý tôn giáo là phi lý, khó chấp nhận và không bao giờ có thể mở mắt nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa.
Với con mắt xác thịt, không bao giờ chúng ta có thể tìm thấy Chúa vì Chúa là Đấng tuyệt đối siêu việt, Ngài không ở đó ở đây cho ta trông thấy, nhưng với con mắt đức tin chúng ta có thể tìm thấy Chúa trong tha nhân, vì tha nhân là Chúa. Ta xử đối thế nào với tha nhân là ta xử đối thế ấy với Chúa. Trong ngày chung thẩm Chúa sẽ xét xử chúng ta về điều này .
Truyện: Tha nhân là Chúa.
Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lớn tiếng hỏi:
– Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế?
– Ta đang ghi những ai yêu mến Thiên Chúa.
Vừa lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng điều đó không làm cho vị tu sĩ thất vọng, Ông nói với thiên thần:
– Xin ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.
Thiên thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.
Sau khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chỉ là câu trích dẫn thư 1Ga 4,20:”Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó, tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”.
Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú:”Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thóat khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi” (Trích Mỗi ngày một tin vui).
Suy niệm: 7 KHÁT VỌNG
Chúa Nhật III Mùa Chay : Ga 4, 5-42.
Suy niệm
Khi đi trong sa mạc khô cháy, trên đầu là nắng lửa, dưới chân là cát nung, đoàn dân Chúa xưa trong hoang địa mới cảm thấy cái khát hành hạ người ta đến độ nào, và nhu cầu được uống nước mới bức xúc làm sao. Chính khi bị cơn khát dày vò mà họ vùng lên nổi loạn, đổ lỗi cho Môsê đã đưa họ vào nơi hoang địa khô cháy, và đòi đem vị lãnh tụ nầy ra mà ném đá (x. Xh 17, 3-7). Ngoài những cơn khát tự nhiên, con người còn có một khao khát siêu nhiên, là một khát vọng vô biên, mà không có gì làm cho no thoả. Dù có được tất cả thế gian này, thì cũng chỉ là bụi bay trong phút chốc. Mọi sự chỉ là phù vân.
Người phụ nữ xứ Samari trong Tin Mừng cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng, nhưng rồi phải lần lượt chia tay, để ở tiếp với người thứ sáu. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi lấy nước. Ngày nào cũng phải lặn lội đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát. Ông tổ triết hiện sinh là Arthur Schopenhauer (1788-1860) cho rằng: “Những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói”. Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao – thoả mãn, thoả mãn – khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng”, càng về sau lại càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong lòng mình.
Bất ngờ một ngày giữa trưa nắng cháy, người phụ nữ này gặp được Đức Giêsu đang ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacóp. Ngài xin chị: “Cho tôi chút nước uống!”. Chị ta rất ngạc nhiên: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?”. Lời chị nói nhắc lại cuộc bất hòa giữa hai dân tộc Do Thái và Samari đã có từ hơn 400 năm, nhưng vẫn ngấm ngầm gây oán ghét và hận thù. Đức Giêsu đã xóa bỏ sự bất hòa này bằng một thái độ khiêm tốn và bằng cách mở ra một cuộc đối thoại chân thành. Ngài còn phá bỏ sự chia rẽ khi tiếp xúc riêng tư với một người phụ nữ Samari giữa nơi công cộng, mà lại là người không tốt đẹp gì. Hành động của Đức Giêsu là một cuộc cách mạng, nhằm phá vỡ các hàng rào ngăn cách giữa các quốc gia, đồng thời phá vỡ các lề thói chính thống của Do Thái giáo, bằng tình yêu thương và lòng kính trọng giữa người với người.
Câu chuyện đột nhiên xoay chiều, khi Đức Giêsu cho chị ta biết, Ngài có một thứ nước lạ lùng, uống vào không còn khát nữa. Người phụ nữ vội vã xin Ngài thứ nước kỳ diệu đó. Cũng như Nicôđêmô hiểu sai về việc tái sinh, người phụ nữ này cũng hiểu câu nói của Đức Giêsu hoàn toàn theo nghĩa đen. Cũng có thể lời nài xin của chị mang tính khôi hài, như muốn giễu cợt về nước hằng sống. Nhưng khi Đức Giêsu bảo: “Chị hãy gọi chồng chị lại”, thì lúc đó chị mới sững sờ nhận ra một sự thật là Đức Giêsu đã biết tất cả tình cảnh của chị, và chị thốt lên: “Tôi thấy ông thật là một ngôn sứ…” Chị biết là mình đã gặp được người của Thiên Chúa, nên đã trút hết nỗi lòng mình cho Đức Giêsu, không còn nghi ngại gì, và chị cũng nói lên vấn đề việc thờ phượng Thiên Chúa ở đâu mới là chính đáng?
Đức Giêsu đã trả lời rõ ràng: sự thờ phượng Thiên Chúa không còn giới hạn vào một nơi chốn nào cả. Tâm hồn con người chính là nơi quan trọng nhất để Thiên Chúa ngự trị, vì thế “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”. Chị còn nói về một Đấng Kitô, khi Ngài đến sẽ loan báo cho họ biết rõ mọi sự. Đức Giêsu liền trả lời:“Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Quá vui mừng, chị chạy về loan báo cho dân làng là mình đã gặp Đấng Kitô. Khi dân chúng ra gặp Ngài, họ cũng cảm nhận và xác tín rằng: “Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian”.
Qua người phụ nữ Samari, Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta: Ngài là Mạch Nước trường sinh. Thánh Augustinô sau những năm dài mê man tìm kiếm danh lợi và lạc thú trần gian, rồi cũng đến lúc chê chán, và biết bao người khác cũng thế. Cuối cùng, ngài mới khám phá ra Thiên Chúa là suối nguồn hạnh phúc của đời mình. Ai cũng mang trong mình một khát vọng vô biên, mà không gì trên thế gian này có thể lấp đầy ngoài một mình Thiên Chúa. Đúng như lời nguyện của thánh Augustinô:“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên hồn con luôn băn khoăn thao thức, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Tâm hồn con vẫn có những khát khao,
nhưng mấy khi hiểu điều mình khao khát,
có ý nghĩa và giá trị gì không,
hay vùi mình trong bùn sâu danh vọng,
vì không nghe tiếng Chúa tự cõi lòng,
đang khơi nguồn cho khát vọng vô biên.
Con chỉ muốn chiếm ngay điều trước mắt,
bằng mọi giá để nắm bắt thành công,
nên biến những khát vọng thành tham vọng,
chứ không thành điều tốt như Chúa mong.
Ít khi con đối diện với chính mình,
để thấy điều đang diễn biến trong tâm,
và khi thiếu những giây phút lặng trầm,
con làm thành cuộc đua không đích điểm.
Nội tâm con không thiếu những rẽ phân,
những nhập nhằng và bon chen sân hận,
con xấu hổ nên che lấp bản thân,
nhưng rồi ánh sáng Chúa đã phơi trần.
Xin Chúa làm mới lại đời con,
biết được điều con phải trở bước,
hiểu được điều con phải trở về,
nghe được điều con phải trở nên,
thấy được điều con phải trở thành.
Cho con vượt lên khao khát tầm thường,
đừng lụy vướng vào tình trường thế tục,
mà lo đạt tới Chúa nguồn tình thương,
Đấng cho con được no thỏa miên trường. Amen.
Lm. Thái Nguyên
*Xin bấm vào đọc KInh Phụng Vụ.