Phụng Vụ Thánh Lễ

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH năm A.

CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA.

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 42-47

“Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi.

Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24

Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).

1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”.

2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Đấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

BÀI ĐỌC II: 1 Pr 1, 3-9

“Nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời.

Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Đức Giêsu Kitô hiện đến.

Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 20, 29

All. All. – Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – All.

PHÚC ÂM: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”.

Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Đó là lời Chúa.

1. Chúng tôi đã thấy Chúa–‘Manna’

Sau khi được phục sinh, Đức Giêsu được tôn vinh lên làm Chúa,

nhưng Ngài vẫn dễ thương như xưa.

Nỗi bận tâm lớn nhất của Ngài là các môn đệ.

Việc làm quan trọng nhất của Ngài là đi thăm các ông.

Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp, khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u.

Ngài chúc cho họ bình an ba lần (c.19.21.26),

thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động.

Đức Giêsu phục sinh cho họ xem các vết thương.

Thân xác chiến thắng của Ngài sẽ mãi mãi mang dấu tích của cuộc khổ nạn.

Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa,

vì được Ngài cho tham dự vào cùng một sứ mạng:

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”

Chỉ có một người không vui, đó là ông Tôma.

Ông này vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5).

Chẳng rõ vì sao ông hụt gặp Đức Giêsu phục sinh.

Chỉ biết ông đã “không ở với” các môn đệ, lúc Ngài đến.

Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách.

Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn,

khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn:

“Chúng tôi đã thấy Chúa.”

Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan.

“Nếu tôi không thấy… nếu tôi không xỏ ngón tay…

nếu tôi không thọc bàn tay… tôi sẽ chẳng tin đâu.”

Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.

Đức Giêsu phục sinh đến với nhóm, nhưng không quên một ai.

Ngài muốn cho Tôma được toại nguyện.

Tuần sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài hiện đến.

Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em,

nhưng Ngài vẫn thoả mãn từng điều ông đòi hỏi.

Rốt cuộc Tôma cũng được thấy và tin như anh em.

Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin,

đã dám hy sinh mạng sống để nói rằng Ngài sống lại.

Quanh chúng ta vẫn có nhiều người giống Tôma.

Họ đòi “thấy và chạm đến” những thực tại vô hình, như Thiên Chúa, linh hồn, đời sau.

Nếu “thấy và chạm” có nghĩa là “có cảm nghiệm”,

thì đòi hỏi trên thật là chính đáng.

Đức Giêsu đã cho Tôma được thấy và chạm đến Ngài.

Chúng ta cũng phải có khả năng giúp người khác thấy

và chạm đến những điều vô hình nhưng có thật.

Chúng ta cần sống như người đang thấy Thiên Chúa,

cần thanh thoát như người đã đụng đến trời cao,

cần bay lên khỏi cái nặng nề của thân xác

như người đã cảm được cái nhẹ bổng của linh hồn.

Truyền giáo là làm cho người ta tin,

làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa.

Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng:

“Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).

Và tất cả cộng đoàn chúng ta phải nói được rằng:

“Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25).

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Bạn nghĩ gì về đức tin của bạn? Có khi nào bạn thấy đức tin đó mạnh không? Nếu bạn thực sự tin vào Chúa, vào sự phục sinh, bạn có thấy cuộc đời bạn sẽ có những thay đổi và chuyển biến lớn lao không?

2. Có ai là Tôma trong nhóm của bạn không? Có ai chưa được hưởng niềm vui phục sinh? Bạn đã làm gì để nâng đỡ họ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,

xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.

Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.

Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh

gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

2. Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh–TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:

1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Người xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.

Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.

2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng.

Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con”. Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần LinhChúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.

Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.

3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.

Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.

Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.

4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.

Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.

Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.

Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.

Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.

Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.

Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.

Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.

3. Nỗi oan Tôma–GM. Giuse Vũ Duy Thống

Đối với phần đông tín hữu Việt Nam, danh xưng Tôma khơi gợi về một thái độ, rất riêng tư nhưng cũng rất điển hình, chẳng những không tích cực mà xem ra còn để lại nhiều tai tiếng. Gặp một tâm hồn cứng cỏi trước những biểu cảm của niềm tin, người ta đã khéo ví von “cứng lòng như Tôma”; thấy ai biểu lộ do dự hoặc nghi ngờ trước những sự kiện tôn giáo, người ta đã vội đưa vào gia phả “con cháu thánh Tôma”. Kể cũng oan.

Thật ra, đi liền với danh xưng Tôma lại là một bài học dẫn đến niềm tin, và cũng còn đó lời gọi sống sao cho mối phúc thứ chín, như người ta gọi về lời Chúa Giêsu kết thúc trang Tin Mừng hôm nay “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”, được trở thành hiện thực trong đời mỗi Kitô hữu.

1. LẠY CHÚA TÔI, LẠY THIÊN CHÚA CỦA TÔI

Niềm tin của Tôma vào Đấng Phục Sinh là cả một chặng đường trong đó yếu tố trước hết chính là cộng đoàn: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Chính vì chứng từ của cộng đoàn này mà Tôma đã tự vấn để rồi sau đó mới đi tới đức tin. Ngay việc các môn đồ hội họp vào ngày thứ nhất trong tuần cùng với lời chúc bình an của Đấng Phục Sinh, làm bối cảnh hình thành truyện Tôma, cũng cho thấy vai trò của cộng đoàn trong việc khai sinh đức tin nơi một người.

Nhưng yếu tố chủ động hơn phải được tìm thấy trong phản tỉnh của cá nhân ông. “Nếu tôi không thấy… tôi không tin”. Câu nói tự phát ấy đã trở thành tai tiếng khiến nhiều người nghĩ rằng Tôma là một kẻ cứng đầu cứng cổ, đòi hỏi, nghi ngờ. Nhưng thực ra, ông là người thực tiễn. Chính nhờ ông lên tiếng mà ta mới thấy rõ hơn thế nào là trăn trở của đức tin thuở ban đầu và thế nào là nỗ lực cá nhân làm cho niềm tin có được bản sắc riêng không thể lẫn với người khác. Nếu hôm trước Tôma đòi thấy mới tin, thì tám ngày sau, qua tiếp xúc cá nhân với Đấng Phục Sinh, ông đã tuyên xưng không phải bằng công thức chung nữa, mà bằng một cách rất riêng làm thành đỉnh cao tuyên tín Phục Sinh: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.

Và niềm tin chỉ có thể đạt được kết quả khi có yếu tố quyết định chính là hồng ân Thiên Chúa, như một bao trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành. Nguyện vọng của Tôma xem ra ngược ngạo, nhưng đã được Đức Giêsu thanh luyện, để cuối cùng khi dâng lời tuyên tín, cũng là lúc ông được dẫn vào một nhận thức mới mẻ hoàn toàn. Thay vì phải thấy mới tin, ông nhận ra rằng phải tin mới thấy trọn vẹn: thấy Đấng Phục sinh và con người Giêsu cũng là một, thấy Đấng Phục sinh rốt cuộc là Chúa và là Thiên Chúa của mình, và thấy niềm tin vượt lên tất cả sẽ trở thành hạnh phúc.

2. ĐỪNG CỨNG LÒNG, NHƯNG HÃY TIN

Chuyện lòng riêng của Tôma cũng là chuyện lòng chung của muôn lòng tín hữu. Từ nỗi oan Tôma, ngày nay người ta hiểu hơn rằng niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân.

Chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa. Có biết đâu tin như thế là không còn tin nữa, mà một cách nào đó đã là cả tin. Vì tin tất cả nên cả tin, hay vì cả tin nên tin tất cả? Chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận: những gì không hiểu, không đo lường sờ chạm, đều bị chối từ. Có biết đâu tin như thế cũng không còn là tin nữa, mà xem ra lại gần với sự bất tín! Nếu chỉ dựa vào cộng đoàn thôi, người ta còn có thêm một nguy cơ nữa là thái độ tiêu cực. Bên ngoài có vẻ ngoan ngùy, nhưng thực chất là dấu hiệu của một niềm tin hời hợt. Lúc đạo giáo hưng thịnh xem ra không có vấn đề, nhưng khi sự đạo phải bước vào thầm lặng thì biết đâu bởi vì dễ tin nên cũng dễ bỏ niềm tin trước bất cứ ai?

Thành ra, phải xem trường hợp Tôma như một kinh nghiệm, và cần xem chặng đường niềm tin của ông như một kinh điển cho niềm tin đang dấn bước đi trong cuộc sống. Đừng cứng lòng! Phải chăng là lời gọi hãy xa đi những thái độ không phù hợp, để chẳng những tránh được khủng hoảng, mà dường như còn nghe lại từng ngày lời ân cần đã một lần ngỏ với Tôma ở cuối chặng đường gặp gỡ: “Nhưng hãy tin!”

3. PHÚC CHO KẺ KHÔNG THẤY MÀ TIN

Cũng từ nỗi oan Tôma, tín hữu hôm nay cảm nhận hơn niềm vui trong đức tin của mình. Niềm vui của Tôma là được thấy Chúa nên tin, còn niềm vui của đời tín hữu lại là tin để được thấy Chúa. Tin như thế là một hạnh phúc.

Trong hạnh phúc ấy, sau này các tông đồ đã qui tụ cho Chúa những kẻ tin, và những kẻ tin sơ khai đã vui mừng cử hành niềm tin của mình một cách sống động, không những qua nghi thức phụng vụ, mà còn qua cách sống cộng đoàn biết chia sẻ và phục vụ lẫn nhau, và niềm hạnh phúc, cuối cùng, sẽ là sức mạnh chiến thắng.

Nhưng với kẻ tin hôm nay, tất cả vẫn còn ở phía trước. Bổn phận của ta là phải khổ công vun đắp niềm tin của mình sao cho thắm đượm hồng ân Thiên Chúa mà vẫn không quên nỗ lực đóng góp của con người, sao cho chan hòa với nhịp sống cộng đoàn mà vẫn không triệt tiêu bản sắc cá nhân. Và một khi niềm tin muốn khơi dậy niềm tin, thì cái bổn phận kia đã trở thành trách nhiệm loan báo hạnh phúc cho những người đồng thời.

Tuy nhiên, phải thú nhận rằng niềm tin hạnh phúc ấy còn lắm nhạt nhòa. Đó đây trong nhịp sống chung Giáo Hội cũng như trong nếp sống riêng mỗi tín hữu, vẫn có thể có những lúc ngại tin hoặc chậm tin vào điều mình không thấy. Nhất là phải hy sinh những hạnh phúc chính đáng thấy được để vươn đến một thứ hạnh phúc ở ngoài tầm nhìn khả giác. Quả là vất vả. Nhưng chính lúc ấy, Tôma xuất hiện như một người bạn tri âm, như một người thầy đã từng trải nghiệm. Và lời Đức Giêsu nói với ông lại trở thành lời vỗ về đem lại sức mạnh. Nghe trong mối phúc thứ chín có lời dặn dò: muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy; và chừng như cũng có lời ước hẹn:tin điều mình không thấy sẽ được thấy điều mình tin.

Ngày nay nỗi oan Tôma vẫn còn đó. Một mình ông chịu tai tiếng để sau này người ta biết đường mà tránh. Một mình ông chịu quở là cứng lòng tin để tín hữu hiểu rằng phải vượt trên những điều nhìn thấy mới gặp được lối đi hạnh phúc của niềm tin. Và như thế, liệu ta có thể bảo rằng nỗi oan Tôma là một nỗi oan hạnh phúc? Cùng với mầu nhiệm đức tin khi bánh rượu được truyền phép hôm nay, ta sẽ lặp lại lời tuyên xưng của Tôma. Để xin thêm đức tin cho những tấm lòng còn nghi ngại, củng cố đức tin cho những người đang yếu đuối, và xin được hạnh phúc cho mọi kẻ tin.

Suy niệm: 4 (Giáo Phận Phú Cường).

Sống trong một thế giới còn nhiều biến động bởi thiên tai như động đất, bão lụt, và nhân tai như dịch bệnh và chiến tranh, con người ngày nay dần nhận ra món quà bình an là món quà quý giá nhất.

Trong ngày lễ kính Lòng thương xót Chúa hôm nay, thánh Gioan giới thiệu cho ta những lỗ đinh và vết thương từ cạnh sườn của Chúa Giêsu như “vết thương của lòng thương xót”.

Đấng bình an tiếp tục mời ta đến xem và xỏ ngón tay của ta vào những vết thương đó. Chúa Giêsu không chỉ củng cố đức tin của ta, nhưng còn mời ta bước vào mầu nhiệm của những vết thương này để hiểu được lời chúc bình an của Người, để nhận ra tình yêu và lòng thương xót Người dành cho ta.

Khi ta có kinh nghiệm gặp gỡ và đụng chạm những vết thương của Chúa Giêsu – Hoàng tử bình an – Người sẽ sai ta đi chia sẻ kinh nghiệm bình an của Người cho người khác. Một bình an không đến từ thương lượng hay thỏa hiệp với những xung đột, nhưng là bình an của sự tha thứ tội lỗi, xa lánh sự dữ, vượt lên nỗi sợ và cái chết. Một bình an nối kết những tấm lòng không phải không có thương tích, nhưng là bình an của việc chữa lành những dày vò nội tâm và xoá đi những xao xuyến của thời cuộc. Một bình an không phải không có những bất công và thảm hoạ, nhưng là bình an của việc thắp lên niềm hy vọng bao dung cho những xúc phạm khó quên… để từ đó, khuôn mặt của lòng thương xót được tỏ lộ bằng những hành động cụ thể của lòng thương xót.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, xin xót thương tha thứ những lầm lỗi mà chúng con đã gây ra sự bất bình an cho anh chị em trong cuộc sống. Xin thương xót củng cố đức tin và ban sự bình an đích thực của Chúa cho gia đình chúng con, để gia đình chúng con can đảm trở thành sứ giả bình an của Chúa đến cho mọi người. Amen .

5. Bình an cho các con–Lm Giuse Đinh Lập Liễm

A. DẪN NHẬP.

Sau khi Đức Giêsu chịu chết và táng trong mồ, các môn đệ bàng hoàng lo lắng vì, theo các ông, chết là hết, bao nhiêu mộng ước đã tan thành mây khói. Nhưng Chúa Giêsu đã hiện ra để củng cố đức tin cho các ông, yên ủi các ông, nâng đỡ các ông, đem sự bình an và niềm vui đến cho các ông. Trong niềm tin tưởng đó, các ông hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Tuy được niềm tin và niềm vui Phục sinh nâng đỡ, các ông cũng phải găp nhiều gian nan thử thách trong cuộc sống: “Anh em sẽ được vui mừng mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách”.

Trong những lần hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến lời chào các ông: “Bình an cho các con”(Ga 20,19). Phải chăng đây là quà tặng của Chúa Giêsu Phục sinh tặng ban cho các ông? Đúng vậy, đây không phải chỉ là lời chào thông thường của người Do thái chào nhau mà còn có ý nghĩa thâm thúy hơn. Bình an mà Chúa Phục sinh ban cho các ông là ân ban của Chúa Thánh Thần giúp các ông giữ vững được tình yêu đối với Chúa và kiên tâm rao giảng Tin mừng trong những hòan cảnh phức tạp.

Muốn đón nhận và kiên trì giữ được sự bình an ấy, chúng ta phải cố gắng thực hiện: mặt tiêu cực là đừng phạm tội vì tội là phản nghịch cùng Chúa, sẽ gây xáo trộn trong tâm hồn; mặt tích cực là phải nỗ lực xây dựng sự bình an trong tâm hồn mình trong mọi hòan cảnh, dù gặp những phong ba bão táp trong cuộc đời. Sự bình an đích thực chỉ có được nơi những tâm hồn biết chiến đấu chứ không phải cho những người ngồi chờ sự an nhàn hưởng thụ.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Cv 2,42-47.

Sau ngày lễ Hiện xuống, các tông đồ chia nhau đi rao giảng Tin Mừng, bắt đầu từ Giêrusalem. Cộng đoàn tín hữu sơ khai này có một điểm nổi bật đó là tình huynh đệ keo sơn. Mọi thành viên trong cộng đoàn yêu thương nhau, chỉ có một trái tim, một tấm lòng, một linh hồn: họ cùng nhau chia sẻ lời Chúa, tham dự lễ nghi bẻ bánh, góp của riêng thành của chung, phân phát cho nhau để không một ai trong cộng đoàn phải đói khát. Cộng đoàn tiên khởi này là khuôn mẫu tình huynh đệ cho Kitô hữu hôm nay. Cần phải trở về nguồn, cần phải canh tân đời sống Giáo hội theo khuôn mẫu cộng đoàn tiên khởi ấy.

+. Bài đọc 2: 1Pr 1,3-9.

Trong thư gửi cho tín hữu ở Tiểu Á, thánh Phêrô đã nói lên tâm tình cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa vì Người cho ta được tái sinh nhờ việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Ngài khuyên nhủ các tín hữu, trong niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh, hãy sống trung thành với ơn gọi của mình trong mọi hoàn cảnh. Theo Ngài, những khó khăn thử thách mà Kitô hữu phải đối diện hằng ngày là nhằm thanh luyện và củng cố đức tin vì đức tin phải được thử thách mới có giá trị. Vì thế, các tín hữu hãy sống trong hy vọng về sự phục sinh của mình để sống vui tươi và vững vàng trong mọi cơn gian nan thử thách.

+. Bài Tin Mừng: Ga 20,19-31.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thanh Gioan thuật lại cho chúng ta hai lần hiện ra của Chúa Giêsu. Lần thứ nhất là ngay chiều phục sinh và lần thứ hai là sau tám ngày. Mặc dù bà Maria Madalena đã báo cho các tông đồ biết rằng Chúa đã hiện ra với bà, nhưng các ông không tin. Chúa Giêsu phải hiện ra trước mặt các ông để các ông tin rằng Ngài đã sống lại như lời đã báo trước. Ngài hiện ra để củng cố đức tin cho các ông, đem lại an bình và niềm vui cho các ông để các ông vững mạnh đi rao giảng Tin mừng. Chính các ông sẽ là chứng nhân của việc Chúa sống lại. Còn sự cứng lòng tin của ông Tôma chỉ là cơ hội khơi lại đức tin nơi các tông đồ, giúp các ông vững tin trong việc rao giảng Tin mừng mặc dù gặp gian nan thử thách.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Bình an cho các con

I. ĐỨC GIÊSU BAN BÌNH AN CHO CÁC MÔN ĐỆ.

Chúng ta đang ở vào cuối tuần bát nhật Phục sinh. Mầu nhiệm lớn lao của Chúa Phục sinh còn đang chi phối tâm hồn chúng ta. Bài Tin mừng hôm nay vẫn còn tiếp tục bàn về việc Chúa sống lại hiện ra với các Tông đồ.

Đức Giêsu đã sống lại được một tuần rồi, hôm nay thánh Gioan kể gồm hai lần Chúa hiện ra: một lần hiện ra ngay chính chiều ngày Chúa sống lại không có mặt Tôma và một lần có mặt Tôma. Mục đích việc Chúa hiện ra là làm cho các Tông đồ tin rằng Ngài đã sống lại thật.

Mặc dầu đã được Kinh Thánh cũng như Đức Giêsu báo trước về Ngài, các môn đệ vẫn tỏ ra bàng hòang khi chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Ông Phêrô thì chối Chúa, các môn đệ hầu hết đã bỏ trốn chỉ còn một số ít theo Ngài xa xa. Bao nhiêu mộng ước của các ông dường như đã tiêu tan cùng với cái chết của Thầy mình. Khi được báo tin Chúa sống lại, các ông vẫn còn bán tín bán nghi. Đức Giêsu đã phải hiện ra nhiều lần để trấn an, giải thích và củng cố niềm tin cho các ông.

Tin mừng của thánh Gioan hôm nay thuật lại hai lần hiện ra của Đức Giêsu với các môn đệ trong phòng cửa đóng kín và lời đầu tiên của Ngài là lời chúc bình an cho các ông. Trong cả hai lần gặp gỡ, Đức Giêsu đã lập lại lời chúc này tới ba lần: “Bình an cho các con). Ngài đã cho các ông xem tay chân và cạnh sườn Ngài, các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa, nhưng lần này vắng mặt Tôma.

Tám ngày sau các môn đệ lại tụ họp trong nhà, có cả Tôma ở đó nữa. Trong khi các cửa đều đóng kín, Đức Giêsu đến đứng giữa các ông, và sau lời chào bình an Ngài bảo Tôma: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”(Ga 20,27). Xem ra Chúa có ý trách ông Tôma vì sự cứng lòng của ông, nhưng chính nhờ đó mà các môn đệ, và các thế hệ sau này là chúng ta có thêm bằng chứng mạnh mẽ về việc Chúa sống lại. Ở những lần hiện ra khác, Đức Giêsu cũng tỏ ra ân cần và thân mật khi gặp gỡ, giải thích Kinh Thánh hoặc cùng ăn cùng uống với các ông.

Sau khi chỗi dậy từ cõi chết, món quà đầu tiên mà Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ không phải là những gì kiêu sa, huy hòang hay lộng lẫy, mà là một câu nói đơn sơ chất chứa tấm lòng chân thành thương yêu và săn sóc: “Bình an cho các con”(Ga 20,19).

Chính vì yêu thương Đức Giêsu đã đi bước trước và sớm nhận ra nhu cầu thiết yếu của các môn đệ trong hòan cảnh lúc đó. Đức Giêsu đã trấn an, củng cố niềm tin  và ban Thánh Thần để gìn giữ các ông. Một trong những điểm nổi bật khiến chúng ta nên dừng lại và cùng suy tư tại sao  Đức Giêsu lại lặp đi lặp lại nhiều lần lời chúc bình an trong đọan Tin mừng hôm nay.

Phải chăng Ngài muốn nhấn mạnh cho chúng ta biết ý nghĩa thâm sâu  của nguồn bình an đích thực? Không có bình an của Đức Kitô, cuộc đời các môn đệ khi xưa cũng như mọi người chúng ta hôm nay sẽ dễ dàng bị lún sâu trong phiền muộn, chán nản thất vọng và dần dần sẽ đánh mất đi niềm tin của mình.

II. BÌNH AN TRONG CUỘC SỐNG CHÚNG TA.

1. Lý do cần sự bình an.

Đọc những trình thuật Phục sinh trong bốn cuốn sách Tin mừng, chúng ta nhận thấy các tác giả đều nhắc lại lời chào của Đức Giêsu đối với các môn đệ: “Bình an cho các con”. Chúng ta phải thắc mắc tại sao Đức Giêsu chúc bình an cho các ông nhiềâu như vậy. Chắc hẳn phải có vấn đề khi Ngài chúc bình an cho các ông.

* Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho các con”(Lc 24,37).

* Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái, Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con”(Ga 20,19).

* Người lại nói với các ông: “Bình an cho các con! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con”(Ga 20,21).

* Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả Tôm ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con” (Ga 20,26).

Đức Giêsu chúc bình an nhiều như vậy, chắc chắn tâm hồn các môn đệ đang ở trong trạng thái hoang mang SỢ HÃI và mất BÌNH AN. Họ thiếu thốn bình an cho nên công việc đầu tiên khi Đức Giêsu hiện ra với họ là phải cung cấp ngay cho họ sự bình an của Ngài. Nếu đọc lại trình thuật Phục sinh trong Tin mừng của thánh Luca và của thánh Gioan một lần nữa, ta thấycả hai thánh sử đều nói rằng khi các môn đệ đối diện với Đức Giêsu Phục sinh thì họ đang ở trong tâm trạng kinh ngạc, nghi ngờ và sợ hãi.

Ai ở trong tâm trạng sợ hãi thì mất bình an. Kinh nghiệm cũng cho chúng ta thấy những lúc tâm hồn bị những SỢ HÃI thống trị và bao trùm cuộc đời của chúng ta thì lúc đó tâm hồn chúng ta mất bình an. Sau này, chúng ta thấy Đức Giêsu khuyên các môn đệ cũng như chúng ta ngày nay là ĐỪNG SỢ. Hai chữ “Đừng sợ” được nhắc rất nhiều lần trong Kinh Thánh, nhất là trong Tân ước.

2. Thế giới thiếu bình an.

Có lần người ta hỏi đại thi hào DANTE của nước Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống? Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an”.

Đó là điều mà chúng ta  vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ, chúng ta luôn ghi lời cầu xin: requiescat in pace: xin cho họ được an nghỉ ngàn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại nơi trần thế này, chúng ta sẽ không bao giờ  tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những giây phúc cuối đời, Đức Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: “Thầy ban bình an cho các con. Thầy ban bình an mà thế gian không thể ban tặng cho các con”.

Trước Chúa Kitô 600 năm tại Roma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta  đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của tòan dân trong đế quốc La mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ chỉ được mở trong ba giai đọan ngắn ngủi. Cánh cửa Hòa bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại. Thời đại nào thế giới cũng mong hòa bình, thời đại nào con người cũng đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa bình  ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người  suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản  trước những hòan cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành (Đ.Ô  Nguyễn văn Tài).

Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khỏanh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.

Truyện: chiến tranh và hòa bình.

Trong cuốn Le retour de Jésus Christ, tiến sĩ René Pache có cho biết: kể từ năm 1496 trước Thiên Chúa giáng sinh cho đến năm 1861 của thời đại chúng ta, tức trong khỏang 3400 năm, tính được tất cả 3130 năm chiến tranh, thế giới chỉ được hưởng 268 năm hòa bình. Như thế, trung bình cứ 13 năm chiến tranh thiên hạ mới được hưởng một năm hòa bình.

Từ năm 1500 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, cho đến năm 1860 đời ta, tính có tới 8000 hiệp ước hòa bình. Tuy mọi hiệp ước đều có giá trị vĩnh viễn, nhưng trên thực tế, hiệu quả của mỗi hiệp ước trung bình không quá hai năm. Chỉ trong 19 năm, giữa hai thế chiến (1920-1939) tính đã có đến 4568 hiệp ước hòa bình. Nguyên 11 tháng trước đệ nhị thế chiến, đã có tới 211 hiệp ước rồi.

3. Muốn có bình an thật sự.

a) Tiêu cực: Phải tránh phạm tội.

Muốn có sự bình an trong tâm hồn thì cần phải là người của Chúa. Thánh Phaolô giải thích Người của Chúa là người hòan hảo chính trực, đã được huấn luyện về mọi việc lành phải làm (2Tm 3,17). Thánh Ambrôsiô viết tiếp: “Người của Chúa phải là người sạch tội, vì tội và Chúa chống đối nhau. Đâu có Chúa đấy không có tội và ngược lại”. Thánh Phaolô viết: “Chúa chính là sự bình an của chúng ta”(Ep 2,14). Vậy thì muốn được sự bình an của Chúa – thứ bình an trong tâm hồn – tất nhiên phải sạch tội.

Cái gì đã phá vỡ đời sống thanh nhàn của các thiên thần? (Js 14,12-13).

Cái gì đã làm cho tổ tông phải khóc lóc? (St 3,11-12).

Cái gì đã làm cho lòai người phải chìm đắm trong đại hồng thủy? (St 6,5).

Cái gì đã làm tháo thứ và khiến lửa bởi trời xuống đốt thành Sođôma và năm thành kế cận? (St 19,24).

Cái gì đã làm cho Đavít khóc lóc mất ăn mất ngủ? (Tv 6,7)

Cái gì đã làm cho Phêrô đau đớn suốt đời? (Lc 17,61-62).

Cái gì đã làm cho Giuđa buồn rầu bứt rứt phải đi thắt cổ? (Cv 1,18).

Tất cả chỉ là TỘI. Hễ đâu có tội đấy không có bình an, vì lẽ sự bình an  không ưa người có tội (Is 48,22; 55, 21).

Bắc thang thử hỏi ông Trời

Những người phạm tội có ngồi yên không?

Họ không thể ngồi yên tại vì họ đã mất sự bình an. Mất sự bình an tức là mất Chúa vì Chúa chính là sự bình an của họ.

Truyện: Thiếu trách nhiệm

Bé Tám nhìn ba nó và nói:

– Ba ơi, chiếc cầu bắc qua mương để vào nhà mình sắp gẫy, Ba sửa lại đi, kẻo có người bị té đó!

– Con phải biết cách mà bước, đừng đặït chân giữa cầu, nhưng bước sát vào phía bờ thì không nguy hiểm đâu.

Bé Tám không an lòng:

– Nhưng những người gia đình mình không biết thì sao ba?

– Chuyện không liên quan gì đến con, con đi chơi đi, đừng hỏi nữa để ba lo việc khác.

Thấy vẻ mặt không vui của ba, bé Tám không dám nài nỉ thêm.

Tối đến, ông Bảy Minh đến gia đình bé Tám để từ giã, hai hôm nữa, ông Minh sẽ đi đòan tụ ở nước ngòai. Sau khi cạn tách trà, mọi người trong gia đình bé Tám ngậm ngùi tiễn người láng giềng ra về với những lời cầu chúc tốt đẹp  mà người ta vẫn thường trao nhau. Ba bé Tám là người lưu luyến nhất, sau cái bắt thay thật chặt, ông là người cuối cùng quay vào nhà. Mọi người đang bàn về người hàng xóm may mắn kia  thì có một tiếng động nặng nề như trái dừa rơi xuống đất. Bé Tám là người đầu tiên hét lên “Chết rồi ba ơi! Ông Bảy té”. Cả nhà chạy ra thì quả đúng như vậy. Ông Bảy đang nằm bất động dưới mương sâu lởm chởm đá. Tấm ván làm cầu đã bị gẫy, ông Bảy bị thương nặng.

Ba bé Tám ngượng ngùng, hối hận vì những lời cầu chúc bình an của ông trao cho người láng giềng đã không hiện thực. Vì thái độ vô tâm tắc trách của ông và vì ông không có tạo cơ hội cho lời cầu chúc có được cơ may thể hiện.

b) Tích cực: Phải nỗ lực xây dựng.

Hòa bình hay bình an không có nghĩa là không có chiến tranh, không có xáo trộn bên ngòai. Mà phải phấn đấu làm sao để tâm hồn có thể bình lặng trước những tiếng ồn ào, xáo trộn bên ngòai, tâm hồn vẫn có thể an nhiên trong mọi phong ba bão táp của cuộc đời.

Truyện: Bức tranh diễn tả bình an.

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công thực hiện. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.

Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là bức tranh bình yên  thật hòan hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi  là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đàng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình… Bình yên thật sự.

 “Ta chấm bức tranh này” – Nhà vua công bố.

Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa  ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự bình yên trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên giữa the ágiới  đang cần nỗ lực giành lấy trong cuộc sống này.

Không có sự bình yên thật sự khi con người không dấn thân để xây dựng. Xây dựng từ nơi chính mình bằng đời sống công chính, yêu thương với đức ái đòi hỏi. Không có sự bình an không có đấu tranh cho sự thiện, không có sự bình an cho những người ngồi chờ sự an nhàn. Sự bình an mà Đức Giêsu ban tặng là sự bình an cho những con người chấp nhận những thử thách để vượt qua thử thách bằng sự bình an của Đức Giêsu.

Truyện: Bình an trong tâm hồn.

Một tu sĩ rất đau khổ vì tính nhạy cảm của mình. Sau nhiều ngày chịu đựng bản tính nóng nảy không tự chủ được, từ cử chỉ đến lời nói, tệ hơn nữa, anh ta luôn dành những phần phải về phía mình. Một hôm, anh tự nhủ: “Ta sẽ bình an, nếu ta vào sống trong sa mạc hoang vắng xa cách mọi người”. Nghĩ sao làm  vậy, anh ta đã sống những ngày bình an, nhưng một buổi chiềâu nọ, anh đặt chiếc bình sành dùng để đựng nước xuống đất, không biết vì đất nơi ấy lồi lõm  hay vì ma quỉ muốn chọc phá, mà bình nước lật sang một bên đổ vỡ đôi, và làm đổ hết nước ra ngòai. Người ẩn tu hầm hầm nổi cơn thịnh nộ tưởng chừng như trời long đất lở.

Khi nguôi cơn giận, anh ta nhìn ngắm chiếc bình đã bể và tự nhủ: “Tôi đã bỏ các anh em trong tu viện, nhưng khổ nỗi lại mang chính cái tôi vào sa mạc hoang vu này, không phải họ, nhưng là chính cái nóng nảy của tôi đã làm cho tôi mất bình an”. Ngay chiều hôm ấy, anh ta trở về tu viện, và qua thời gian, với ơn Chúa giúp và những cố gắng cá nhân, tính nóng nảy đã bớt dần và sự bình an gia tăng trong tâm hồn anh.

Giáo hội luôn mời gọi chúng ta sống một cách thiết thực và sâu đậm lời của Đức Giêsu: “Bình an cho các con”, đó là lời chào luôn có trên môi miệng của Đấng Phục sinh. Thật ra, đây hẳn không phải là một lời chào thân thuộc của người Do thái, nhưng là ân ban mà Chúa Kitô Phục sinh đem lại cho con người. Bình an là nghịch lại với tất cả những gì sợ hãi, thất vọng, chết chóc. Bình an là đồng nghĩa với tin yêu, vui sống và hy vọng.

LÒNG THƯƠNG XÓT

6. Chúa Nhật 2 Phục Sinh: Ga 20, 19-31.

Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy Chúa, đã sờ chạm vào Chúa. 

Suy niệm

Đức Giêsu Phục Sinh bất ngờ xuất hiện giữa các tông đồ. Ngài trao ban bình an và cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng sự chết của Chúa vẫn mang dấu tích của cuộc khổ nạn. Các tông đồ vui mừng vì được thấy Thầy, và hơn nữa còn được Thầy ủy thác sứ mạng trọng đại: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.

Chỉ có một người không vui là ông Tôma, vì ông vắng mặt khi Chúa hiện ra. Có vẻ giữa ông và nhóm anh em có cái gì xa cách, nên ông thẳng thừng từ chối tin vào lời chứng của các bạn. Ông không tin ai khác, chỉ tin vào giác quan của mình.Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Trước sự thách thức và cố chấp của ông, Chúa Giêsu lại hạ mình để hiện ra một lần nữa. Con người Tôma có cái gì bất thường, lập dị, nhưng may là ông trở về với cộng đoàn, nên chứng kiến việc Chúa phục sinh.   

Khi hiện ra, Đức Giêsu nói với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây… Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Tôma kinh hoàng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa phục sinh không phải là vinh quang chói lọi hay điều gì kinh khủng, mà là chính dấu đinh. Đấng Phục Sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang hay quyền lực của mình để khuất phục thế gian, mà chỉ dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn Ngài. Đức Giêsu thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” nghĩa là khi Ngài bị hành hình, bị sỉ nhục; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá và sống lại vì chúng ta, để ta cùng được sống lại với Ngài.

Thánh giá Chúa mới thực sự là biểu hiện vinh quang, và dấu đinh mới là dấu chỉ của Chúa Phục Sinh. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mong cho mình được vinh hoa phú quí hay quyền cao chức trọng, vì như vậy chúng ta muốn sống khác biệt với Chúa. Lối sống đó đối nghịch với thập giá Chúa và không đạt tới sự phục sinh với Ngài. Lối sống đó đào hố sâu ngăn cách giữa người với người, không thể hiện được tình yêu mà chỉ là sự ích kỷ, làm điên đảo và tổn thương đời sống con người.

Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy Chúa, đã sờ chạm vào Chúa. Tất cả các tông đồ đều đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng là Đức Kitô đã sống lại, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất cho loài người, chứ không ai khác. Tiếp nối các tông đồ đã có hàng triệu người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, đã dâng hiến đời mình vì niềm tin ấy, trong số đó có hằng ngàn cha ông chúng ta đã hiên ngang đổ máu mình để lưu truyền đức tin lại cho con cháu hôm nay, cụ thể là 118 thánh tử đạo Việt Nam.

Quanh chúng ta cũng vẫn có nhiều anh chị em đạo đức, đầy lòng tin mến. Họ đã được ơn “thấy và chạm đến” Chúa một cách nào đó, nên họ rất chuyên chăm trong đời sống cầu nguyện, sốt sắng trong thánh lễ, và tích cực làm việc tông đồ. “Thấy và chạm” đến Chúa nghĩa là “cảm nghiệm” hay “cảm nhận” về sự hiện diện của Chúa khi nghe Lời Chúa, khi rước Mình Chúa, khi phục vụ anh chị em, khi thăm viếng và cứu giúp những người bệnh tật, nghèo hèn, khốn khó… 

Để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta cũng không cần phải nổi bật cái gì hết, mà chỉ cần nổi bật lòng thương xót của Chúa. Thương xót nói theo thánh Phaolô là: đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tuy nhiên, thương xót không có nghĩa là làm ngơ trước tội lỗi và sai lạc của con người, cũng không phải là dung túng hay nhượng bộ cho những xấu xa trong đời sống. Thương xót là muốn nâng nhau lên một cuộc sống tốt lành hơn, chân thật hơn, thiện hảo hơn, theo đường nẻo của Thiên Chúa.

Cũng như xưa, con người ngày nay làm sao có thể tin Chúa được, nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ, hay của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha nhân? Con người ngày nay cũng đang đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu nơi Giáo hội, nơi các bạn trẻ. Đạo của bạn là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chững chứng tích tình yêu của bạn đi! Mahatma Gandhi đã từng tuyên bố với người công giáo như thế.

Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra mình là người được Chúa thương xót, để suốt cuộc đời ta là trở nên lòng thương xót của Chúa cho mọi anh chị em, nhất là những người bé nhỏ nghèo hèn. Quả thật “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Chúa xót thương”. 

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn để biết ai con cái,
là sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng bao hàm công bằng và sự thật.

Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng đòi con phải kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.

Thương xót là hành động cao quí nhất,
đó chính là phẩm chất của con người,
là hành vi thờ phượng rất đẹp tươi,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
để trở nên ánh sáng giữa cuộc trần.

Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy.

Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn.

Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên

*Xin bấm vào đọc Kinh Phụng Vụ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: