Phụng Vụ Thánh Lễ

Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.

Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

BÀI ĐỌC I: Cv 9, 31-42

“Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: “Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi”. Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.

Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: “Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi”. Phêrô chỗi dậy đi với họ. Đến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ.

Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: “Tabitha, hãy chỗi dậy”. Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 14-15. 16-17

Đáp: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? (c. 12)

1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

2) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

3) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20

All. All. – Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. – All.

PHÚC ÂM: Ga 6, 61-70

“Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”.

Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa.

Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”

Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”.

Đó là lời Chúa.

Suy Niệm 1: Anh em cũng muốn bỏ đi sao?

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Chương 6 của Tin Mừng Gioan có một kết thúc không vui lắm.

Bài Tin Mừng hôm nay (cc. 60-69) đi theo ngay sau các câu 35-50,

vì các câu 51-59 có lẽ được viết muộn hơn và thêm vào sau này.

Đức Giêsu coi mình là bánh thật từ trời xuống (cc. 33. 50).

Ai tin vào Ngài sẽ được sống muôn đời (cc 40. 47).

Những lời giảng của Đức Giêsu đã gây vấp phạm, khó nghe, gai chướng,

khiến nhiều môn đệ xầm xì, không tin, rút lui và không đi theo Ngài nữa.

Chỉ có nhóm Mười Hai ở lại, nhưng cũng không trọn vẹn.

Giáo huấn của Đức Giêsu vẫn luôn gây sốc cho con người mọi thời.

Lời Chúa vẫn luôn là điều khó hiểu, khó chịu và khó sống.

Những Kitô hữu đã tin theo Đức Giêsu trong nhiều năm

vẫn bị đặt mình trước lời Chúa và được mời gọi chọn lại.

Tin vào Đức Giêsu là một chọn lựa lớn và căn bản.

Chọn lựa này cần được làm mới lại mỗi ngày xuyên qua những chọn lựa nhỏ.

Có những Kitô hữu mất đức tin vì đã không dám sống niềm tin của mình.

Có những người rút lui và bỏ đi, dù tên vẫn còn trong sổ Rửa tội.

Có những người xầm xì vì những đòi hỏi gai góc của Lời Chúa.

“Chẳng lẽ anh em cũng muốn bỏ đi sao?” 

Đức Giêsu buồn rầu hỏi nhóm Mười Hai như thế.

Simon đại diện anh em đã xin được tiếp tục ở với Thầy, đi với Thầy.

“Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai?” 

Lời của Thầy tuy khó nghe, nhưng con tin đó là lời ban sự sống đời đời (c. 68).

Lời của Thầy tuy chướng tai, nhưng lại là thần khí và là sự sống (c. 63).

Simon tin Thầy Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 69).

Đấng Thánh là Đấng từ trời xuống

và cũng là Đấng sẽ lên trời nơi đã ở trước kia (c. 62).

Có thể điều làm con người hôm nay bỏ đạo, bỏ Chúa Giêsu,

lại không phải là những lời khó nghe của Ngài,

mà là đời sống của các Kitô hữu, những người không dám sống các lời ấy.

Nhiều người thấy chướng khi nhìn vào cuộc sống của họ.

Xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn đến với Giêsu, và kiên trì ở lại với Ngài.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng

trước mọi biến cố của cuộc sống,

khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,

hay gặp sự bất trung, bất tín

nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên

để nghĩ đến hạnh phúc người khác,

giấu đi những nỗi phiền muộn của mình

để tránh cho người khác phải đau khổ.

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,

để đau khổ làm con thêm mềm mại,

chứ không cứng cỏi hay cay đắng,

làm con nhẫn nại chứ không bực bội,

làm con rộng lòng tha thứ,

chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi

vì chịu ảnh hưởng của con,

không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,

lòng cao thượng, tử tế,

chỉ vì đã là bạn đồng hành của con

trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,

xin cho con có lúc

thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,

tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,

và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen. (dịch theo Learning Christ)

Suy Niệm 2: Thần khí và sự sống

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Khi Chúa nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Người ta lẩm bẩm kêu trách Chúa. Vì họ hiểu theo xác thịt. Theo xác thịt, làm sao có thể ăn được thịt Chúa. Chúa cho biết: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Lời Chúa là thần khí. Nên phải “ăn” bằng tin tưởng. Nhập tâm. Tiêu hoá. Và biến thành sức sống.

Phê-rô được Thần Khí linh hứng nên đã tin và tuyên xưng: “Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời”.

Sau ngày Phục sinh, thánh Phê-rô đã hiểu rõ chân lý ấy. Và đã cảm nghiệm sâu xa. Phê-rô để Chúa chiếm đoạt. Ông hoàn toàn tin nhận. Ông hoàn toàn từ bỏ mình. Ông sống nhờ Chúa. Sự sống của Chúa mãnh liệt trong ông. Ông không có gì. Nhưng Chúa có tất cả. Vì thế, khi gặp người què từ thuở mới sinh ông nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi”. Lập tức, “anh đứng phắt dậy, đi lại được” (Cv 3,6.8).

Sự sống của Chúa mãnh liệt trong ông. Nên ông làm cho người khác được sống lại. Đến thăm “Ê-nê liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê liệt. Ông Phê-rô nói với anh ta: “Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy”. Lập tức anh đứng dậy”.

Đến thăm bà Ta-li-tha Linh Dương đã chết, Phê-rô “quỳ xuống cầu nguyện.. và ra lệnh: “Bà Ta-li-tha, hãy đứng dậy”. Bà ấy mở mắt ra… và ngồi dậy”.

Thật lạ lùng sức mạnh của Lời Chúa. Quả thật Lời Chúa là thần khí và sự sống. Chúa có lời ban sự sống đời đời. Phê-rô đã tin. Đã lắng nghe. Đã nhập tâm. Đã tiêu hoá. Chúa trở thành sự sống trong ông. Ông lại dùng mà làm cho người khác được sống.

Ta hãy biết noi gương Phê-rô thưa với Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.

Suy niệm:3 (Giáo Phận Phú Cường).

Diễn từ Bánh hằng sống của Chúa Giê-su là diễn từ tuyệt vời. Ngày nay chúng ta có thể ngồi suy niệm, phân tích và đánh giá như thế. Tuy nhiên, nhìn lại diễn tiến của diễn từ này và sự đón nhận từ phía thính giả thời Chúa Giêsu nó không tuyệt vời như ta nghĩ. Có nhà chú giải còn nói rằng đó là thất bại trong việc Chúa Giêsu truyền đi thông điệp quan trọng của mình.

Chương sáu sách Gioan chúng ta đang nghe, quả là gây cấn! Ga 6,1-15: Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều; Ga 6,22-40: Chúa Giêsu tranh luận với những người Do Thái và nói về Bánh hằng sống. Xen kẽ giữa hai đoạn này là Ga 6,16-21: Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Phải chăng vì biết trước là có nhiều người xầm xì (Ga 6,41) và họ tranh cãi sôi nổi (Ga 6,52), và thậm chí các môn đệ nghe cũng chướng tai (Ga 6,60), rồi từ đó có một số môn đệ rút lui (Ga 6,66). May thay, Phêrô thay mặt các tông đồ đã không bỏ thầy mình mà đi, thay mặt các tông đồ, Phêrô tuyên xưng: bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? (Ga 6, 68).

Chúng ta đang ở trung tâm của gây cấn. Chúng ta đặt mình trong vai thính giả đang nghe những lời từ diễn từ của Chúa Giêsu và chúng ta chọn lựa. Nếu là ngày xưa, có khi chúng ta cũng xì xầm, thắc mắc, chất vấn và nghi ngại: lời này khó nghe, thôi! Ta nghe lời của ai khác đi. Đó là sự chọn lựa, và đó cũng là cám giỗ của chúng ta hôm nay. Lời hằng sống ư, khó chấp nhận, như nhiều thông điệp vốn khó sống nên cũng khó chấp nhận của Chúa Giêsu nói với chúng ta trong thời đại này. Thời của Chúa đương thời mà còn khó nghe và còn có người bỏ Chúa thì thời đại hôm nay, còn có nhiều người gay gắt và nhiều người bỏ Chúa nhiều hơn. Bánh hằng sống là gì mà phải tôn kính. Đó là cơn cám giỗ mọi thời. Nên lời của Chúa vẫn luôn đặt chúng ta trước những chọn lựa quyết liệt. Quyết tuyên xưng như Phêrô: bỏ Thầy chúng con biết theo ai. Chắc chắn đó là sự mạo hiểm đúng đắn nhất mà ta từng nghe.

Lạy Chúa, Chúa vẫn muốn chúng con chọn lựa những điều thuộc về tự do của chúng con. Xin giúp chúng con luôn khôn ngoan chọn Chúa, là tất cả của chúng con. Amen. 

Suy Niệm 4 : “Chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”

Lịch sử Giáo Hội vào những thế kỷ đầu, người Công Giáo gặp muôn vàn khó khăn do hoàng đế Rôma gây nên. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi khó khăn đó!

Tuy nhiên, sự cương trực, thẳng thắn và dứt khoát đã làm cho các bậc anh hùng, tổ tiên của chúng ta trung thành với Chúa cách trọn vẹn.

Nói về sự can trường của các vị tử đạo, người ta có kể đến câu chuyện của Giáo phụ Policarpo: khi đám lính đã bắt được ngài, họ điệu ngài ra tòa xét xử và buộc ngài phải từ bỏ Đức Giêsu, chối bỏ niềm tin của ngài vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, cụ già gần 90 tuổi đã tuyên bố cách dứt khoát: “86 năm tôi theo Đức Giêsu, Ngài không bao giờ phụ bạc tôi, làm sao các ông lại bảo tôi phản bội Ngài…?”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy thái độ dứt khoát là điều kiện cần để sống đời sống chứng nhân. Đây cũng là điều mà Đức Giêsu đòi hỏi các Tông đồ và tất cả những ai muốn bước theo Ngài. Vì thế, khi có một số môn đệ đã bỏ Đức Giêsu vì những lời tuyên bố của Ngài về Bánh Hằng Sống, và cụ thể chính là sự trao ban Thịt và Máu của Ngài để cho những ai tin và ăn thì được sống đời đời.

Thấy có người bỏ cuộc, Đức Giêsu đã lên tiếng hỏi trực tiếp các Tông đồ là những người mà Ngài sẽ trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, Ngài hỏi: “Còn các con, các con có muốn bỏ Thầy không?” Phêrô đại diện cho anh em thưa với Thầy: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai?”.

Khi hỏi như thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: muốn theo và làm chứng cho Ngài thì phải có thái độ dứt khoát. Không được lập lờ…!

Như vậy qua câu trả lời của thánh Phêrô, chúng ta thấy một cuộc tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thầy của mình. Tin Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Vì thế, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành và xác tín thật mạnh mẽ niềm tin của mình nơi Chúa. Chỉ có Chúa mới là niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực, và cũng chỉ có mình Ngài mới ban cho chúng ta sự sống đời đời. Ngoài Ngài ra, chúng ta không có chúa nào khác có thể ban cho chúng ta những thứ đó.

Mong sao, mỗi người chúng ta hãy có tâm tình như thánh Phêrô: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ngày càng gắn bó mật thiết với Chúa như các Tông đồ khi xưa, để dù có gặp phải những khó khăn, chúng con vẫn dứt khoát nói không với những gì trái ngược với đức tin và sẵn sàng sống chết cho niềm xác tín của mình vào Chúa để xứng đáng được Chúa ân thưởng trong cuộc sống mai hậu. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 5 : Chỉ nơi Chúa, mới có Lời ban sự sống đời đời

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Ai theo Chúa để tìm lợi lộc vật chất, người đó sẽ thất vọng. Ở nơi Chúa, con người tìm được Lời ban sự sống đời đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, những người Do thái theo Chúa khi có bánh phần xác, nhưng khi Chúa hứa ban Bánh Trường Sinh nuôi sống phần hồn thì họ đã bỏ Chúa. Lòng người chúng con vốn vậy: nhạy cảm trước cái đói thể xác bao nhiêu thì thường lại hững hờ trước những thiếu thốn về tinh thần bấy nhiêu. Con hiểu rằng ai không nâng tầm nhìn lên khỏi trần thế này để thấy giá trị của trời cao, người đó chẳng đủ sức làm môn đệ Chúa. Chúa đến trần gian đâu phải chỉ là để giải quyết vấn đề cơm bánh. Chúa đến để cứu chúng con khỏi tội lỗi vốn là nguyên nhân của bao khốn khổ trên cõi đời này. Chúa có ban bánh nuôi phần xác cũng chỉ là để mời gọi con lãnh nhận bánh thiêng liêng dưỡng nuôi linh hồn.

Lạy Chúa, con xét lại chính bản thân con, ít khi con biết hướng lòng nghĩ tới phần hồn. Hiếm lắm những lúc con xin cho được sống đẹp lòng Chúa, cũng ít khi cầu xin ơn chừa một khuyết điểm. Thường con hay trình bày với Chúa về khó khăn trong chuyện làm ăn, chuyện công danh sự nghiệp, chuyện đau ốm bệnh tật… và khi xin chưa được Chúa nhận lời, con thường thất vọng nản lòng, chẳng muốn tin vào Chúa nữa. Chúa đã ngán ngẩm khi nhìn đám dân Do thái đợi Chúa cho thêm bánh phần xác, rồi lục đục bỏ Chúa khi không được toại ý. Có lẽ hôm nay, con cũng đang làm Chúa chán ngán như vậy.

Xin Chúa nâng tâm hồn con lên tới Chúa để con cảm nhận được những giá trị thiêng liêng. Xin cho con biết tìm Nước Thiên Chúa trước, còn mọi sự khác xin phó thác cho Thiên Chúa là Cha của con. Amen.

Ghi nhớ: “Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống”.

Suy Niệm 6 : Bỏ Thầy con biết theo ai?

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

M. Toliver, một nhà truyền giáo ở miền Tây Trung Hoa, có lần gặp hai viên chức cao cấp đồng thời cũng là những Kitô hữu nhiệt thành.

Một trong hai người kể rằng: trong một cuộc oanh kích, ông ta, bà vợ và đứa con gái nhỏ 6 tuổi không tìm được nơi trú ẩn, nên phải nấp dưới gầm bàn ăn. Bom nổ ngay bên, nên họ chỉ còn biết cúi đầu cầu nguyện.

Khi qua cơn nguy biến, đức bé nhìn lên thấy ảnh Chúa Giêsu, em nói: “Ba ơi, Chúa Giêsu là nơi trú ẩn an toàn nhất, phải không ba?”.

Suy niệm

Sau diễn từ mạc khải về Thánh Thể ở Capharnaum, một số lớn các môn đệ thiếu đức tin và theo cảm xúc hoặc hời hợt, lý trí của con người trước mầu nhiệm Thánh Thể, nên không thể chấp nhận được các lời Đức Giêsu. Trong lúc Ngài luôn nhắc các môn đệ là Ngài không đến, không nói như một người thường, nhưng Ngài đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa. Trong bài diễn từ về bánh trường sinh, Đức Giêsu đã nhiều lần nêu bật Con Người – Người được Thiên Chúa cử đến và có sự sống phát xuất từ Thiên Chúa (x. Ga 6,27.57). Điều kiện tiên quyết để hiểu được các lời của Đức Giêsu, trên sự hiểu và nhìn nhận bản thân Ngài. Nhưng đám đông dân chúng, trong số đó có các môn đệ đáp lại bằng sự thiếu lòng tin, sự từ khước, sự ngờ vực đối với Ngài và đối với lời Ngài. Vì thế nhiều môn đệ “rút lui, không còn ở với Người nữa” (Ga 6,66).

Tuy nhiên, nhóm Mười hai chọn lựa ở lại (x. Ga 6,67-69). Các môn đệ này cũng bị cám dỗ, bị lay động, bị thách thức bởi mầu nhiệm của mạc khải Thánh Thể và những lời đòi hỏi của Ngài. Trước những thử thách cao độ, Chúa Giêsu đặt câu hỏi với họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Simôn Phêrô đã nhân danh nhóm khi tuyên xưng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69). Bởi vì các ông không tìm được một vị thầy nào dứt khoát khá hơn, cho nên khôn ngoan là ở lại với Đức Giêsu. Cũng bởi vì Người mang sứ điệp chắc chắn về sự sống đời đời và mở đường vào sự sống đó. Và vì Ngài là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa…

 Theo bước chân của Phêrô và các môn đệ chúng ta xác tín: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Chọn và sống theo Chúa Kitô là cùng Ngài đi trong ban ngày của bình yên cuộc sống hay giữa đêm tối của phong ba thử thách như Phêrô và các môn đệ. Sống với niềm tin vào Ngài là khước từ cách hiểu biết, giác quan và lý luận thông thường, hời hợt bên ngoài, nhưng là tin mà không thấy (Ga 20,29) là vững bước với sự chọn lựa và xác tín theo Thầy.

Ý lực sống: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,

là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 91,2).

Suy Niệm 7 : Chấp nhận hay bỏ Chúa

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Kết quả của bài giáo lý về Thánh Thể: chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau trước những lời giảng của Đức Giêsu. Một bên, nhiều môn đệ rút lui, không theo Ngài nữa vì thấy chướng tai quá, không thể chấp nhận nổi. Một bên, Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai tuyên xưng và tin nhận rằng chỉ có Chúa mới là lý tưởng, chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống, và họ đi theo Ngài.

2. Bốn bài giảng liên tiếp về Bánh Hằng Sống của Đức Giêsu đã tạo ra nhiều phản ứng nơi những cử tọa Do thái. Khi Ngài tiết lộ cho họ biết Ngài có Bánh Hằng Sống, ăn vào sẽ không đói khát nữa, họ liền xin Ngài cho họ thứ bánh đó. Tiến thêm một bước, Ngài cho họ biết Bánh đó chính là Ngài từ trời xuống, họ có phản ứng chống lại ngay vì họ cho rằng Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse ở Nazareth, làm sao lại có chuyện đó được? Nhưng khi Đức Giêsu cho họ biết Bánh Hằng Sống đó  chính là thịt máu Ngài, phải ăn thì mới có sự sống trong mình, thì họ có phản ứng kịch liệt vì họ cho đây là một việc tởm gớm không thể chấp nhận được. Thậm chí, cả một số môn đệ cũng có phản ứng tương tự: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được”. Kết quả là một số môn đệ bỏ đi, không theo Ngài nữa.

3. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay chuyển tải cho chúng ta, là giữa sự thất vọng bỏ đi của nhiều người, thì vẫn còn đó Nhóm Mười Hai với lời tuyên xưng của tông đồ trưởng Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời  đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Có lẽ ở đây chúng ta chưa dám chắc Phêrô và các Tông đồ đã hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể là lấy thịt Chúa cho nhân loại ăn, nhưng ít nhất Phêrô tin vào uy tín của Thầy không thể nói điều sai lạc.

Lời tuyên xưng còn khẳng định rõ hơn vế đức tin là một ân ban mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Lời tuyên xưng của Phêrô và sự trung thành của các Tông đồ là điểm sáng về niềm tin và lòng trung tín cho chúng ta, nhất là ngày hôm nay không thiếu những người đã lìa bỏ Giáo hội. Nếu không có ơn đức tin thì sẽ không thấy  sự khác biệt giữa  bánh chưa truyền phépvà bánh đã được truyền phép, không thể cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu trong phép Thánh Thể.

4. Phần chúng ta, chúng ta có thái độ nào trước mạc khải của Đức Giêsu về Bí tích Thánh Thể? Lời Đức Giêsu hỏi các môn đệ ngày xưa cũng được lặp lại với mỗi người chúng ta hôm nay: “Chúng con có muốn bỏ đi không”? Tin nhận và sống giáo huấn yêu thương phục vụ của Chúa đã là một điều khó: tin nhận và sống Bí tích Thánh Thể lại càng khó hơn. Tuy nhiên, chúng ta không làm việc đó một mình, bởi vì tin và sống Bí tích Thánh Thể đúng như ý Chúa muốn là một hồng ân của Chúa Cha: “Không ai có thể đến được với Ta, nếu không được Chúa Cha ban cho”.

5. Về vấn đề lựa chọn có theo Chúa hay không thì chính chúng ta phải đích thân lựa chọn và phải sống trung thành với sự lựa chọn đó: Đứng lại với Chúa, không phải chỉ vì thấy người khác còn đứng lại vì chưa gặp dịp thuận tiện để tháo lui. Nhưng đứng lại với Chúa vì tin Ngài là Đấng có lời ban sự sống đời đời, không còn ai khác để mình đi theo.

Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đi theo Đức Kitô, chúng ta tin Ngài là Đấng không những ban cho chúng ta sự sống đời này mà còn ban sự sống đời đời nữa. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ: Sự sống đời đời không phải chỉ là sự sống  đời sau, nhưng đến cùng Chúa, tin vào Chúa và ăn thịt máu Chúa là chúng ta đã được sự sống đời đời ngay từ bây giờ, bởi vi mỗi lần rước Chúa là chúng ta rước lấy mầm sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu. Cho nên, chúng ta hãy siêng năng rước Chúa và rước Chúa thật sốt sắng.

6. Truyện: Quyết theo chân Chúa.

Odette, một cô gái đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ, năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ đến bắt cô trở về. Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời được kín đáo gửi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.

Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài. Hỏi ra, cô mới biết ngưới ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Xong, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài. Giám mục của vùng và linh mục tuyên úy lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không? Cô dõng dạc tuyên bố:

– Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào có thể tách rời con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng. Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “Như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa”.

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng mới 23 tuổi.

Suy Niệm 8 : Biết đặt Chúa lên trên tất cả

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Kết quả của bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể:

Nhiều người bỏ đi vì cho là những Lời Chúa nói chói tai, trong số đó có cả các môn đệ: “Từ hôm đó, có nhiều người môn đệ rút lui không theo Ngài nữa”. (Ga 6,66)

Rõ ràng là hành trình đi theo Chúa không luôn êm ả. Một ngày nào đó, có thể Lời Chúa cũng làm chúng ta chói tai và chúng ta muốn rút lui.

Đức hồng y Carlo Martini, nguyên là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải Tin Mừng thánh Gioan, câu chuyện sau đây: Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo Hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ đời sống tu trì… Để giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã mượn câu chuyện chó đi săn thỏ để giải thích.

Một chú chó trong đàn bất chợt phát hiện ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn, vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Chẳng mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó đã chạy ùa theo.

Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kỳ thực chỉ có một con chó đã phát hiện nhìn thấy con thỏ, còn những con khác thì không. Sau một hồi săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì chúng không nhìn thấy con thỏ đâu. Duy chỉ có chú chó đầu tiên đã phát hiện ra con thỏ thì vẫn tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.

Rồi vị tu sĩ trên đã đưa ra kết luận như sau:

Đã có rất nhiều tu sỹ đi theo Chúa, nhưng chỉ có một ít thực sự nhìn thấy Chúa và họ biết họ đang theo đuổi điều gì. Số khác đã chạy theo, hoặc vì bị lôi cuốn bởi đám đông, hoặc vì họ nghĩ rằng, họ đang làm một điều tốt, nhưng rồi thời gian đã làm họ thay đổi và bởi vì họ chưa bao giờ thấy rõ Chúa là lý tưởng, nên khi gặp khó khăn, thử thách là họ bắt đầu chán nản và bỏ cuộc.

Cuộc sống của người Kitô hữu cũng có thể được ví như một cuộc đi săn. Có những lúc chúng ta rất sốt sắng, hăm hở trên con đường theo Chúa, chúng ta sẵn sàng nói lời cam kết với Chúa. Thế nhưng, nếu không cẩn trọng thì vào một lúc nào đó, khi không còn thấy gì hấp dẫn trước mắt trên con đường theo Chúa nữa, thì biết đâu chúng ta cũng lại giống như một số các môn đệ của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.

2. Sau đó, Chúa Giêsu hỏi nhóm 12, Phêrô thay mặt nhóm tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Phải nói đây là những lời tâm huyết luôn biết đặt Chúa lên trên tất cả. Giữa lúc tâm hồn đang bị dao động trước sự tháo lui của một số anh em mà Phêrô còn nói lên được những lời thật mặn nồng như thế, chắc Chúa phải cảm động lắm.

Vâng, phải thấy Chúa là tất cả, thì Phêrô mới có thể tuyên bố như vậy.

Odette, một cô gái xinh đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ. Năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ đến bắt cô trở về. Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình, nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời đều được kín đáo gởi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.

Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài. Hỏi đầy tớ gái, cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Xong, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài. Giám mục của vùng và linh mục tuyên uý lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước, vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận lãnh chúa Simon làm chồng theo luật Giáo hội không? Cô dõng dạc tuyên bố:

– Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào cho dù sự hăm dọa, có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng. Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa”.

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng lúc mới 23 tuổi.

*Xin bấm vào đọc Kinh Phụng Vụ.

*Xin bấm vào nghe chia sẽ Lời Chúa.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: