Phụng Vụ Thánh Lễ

Thứ Bảy Tuần 4 Phục Sinh.

BÀI ĐỌC I: Cv 13, 44-52

“Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”. Nghe vậy, các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.

Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo, các thân hào trong thành, bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

ALLELUIA: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! – Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 14, 7-14

“Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm.

Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm 1: Làm những việc lớn hơn nữa

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),

thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).

Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,

bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái

không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).

Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.

Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.

Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,

chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.

“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).

Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu

chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.

Theo quan niệm của người Do thái,

sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.

Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.

Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài:

“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).

Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.

Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.

“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,

chính Người làm những việc của mình” (c. 10).

Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.

Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.

“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.

Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,

bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).

Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.

Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.

Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,

chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:

trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).

Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay

là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.

Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,

vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.

Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con biết con,

xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,

quên đi chính bản thân,

yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,

biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

Ước gì con biết nhận từ Chúa

tất cả những gì xảy đến cho con

và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Âu-Tinh)

Suy Niệm 2: Tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Phi-lip-phê tâm thành muốn biết Đức Chúa Cha. Nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su đầy bức xúc, buồn phiền lẫn với trách móc: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh chưa biết Thầy ư”? Hỏi về Cha mà lại trả lời về Con. Vì “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”. Vì thế “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Hỏi về Cha như thế là chưa hiểu Con. Chưa hiểu vì chưa đi vào tình yêu. Tình yêu không thể định nghĩa. Chỉ có thể cảm nghiệm. Ai chưa yêu thì chưa hiểu được tình yêu.

Thiên Chúa là tình yêu. Ba Ngôi trong một Chúa. Một tình yêu hoàn hảo. Nên Ba Ngôi kết hợp mật thiết. Vì “Ta và Cha Ta là một”. Chúa Giêsu hoàn toàn kết hợp với Chúa Cha. Đến độ “Các lời Thầy nói với an hem, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình”. Cuộc kết hợp chặt chẽ đến nỗi Chúa Giêsu “sống nhờ Chúa Cha”. Và vì lương thực của Chúa Giêsu chính là làm theo ý Chúa Cha. Như vậy trọn tấm thân, cuộc sống, mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của Chúa Giêsu đều là của Chúa Cha. Tình yêu trong Chúa Thánh Thần khiến Ba Ngôi trở thành nguồn mạch tình yêu, nguồn mạch sự sống, nguồn mạch hạnh phúc.

Hôm nay Chúa Giê-su cũng hỏi tôi như hỏi Phi-lip-phê: “Thầy ở với con bấy lâu mà con không biết Thầy sao”. Vì biết Chúa Giêsu thì phải đi vào tình yêu. Phải sống nhờ Chúa Giêsu. Và như Chúa Giêsu sống nhờ Chúa Cha, tôi phải để Chúa Giêsu suy nghĩ, nói năng và hành động trong tôi.

Thánh Phao-lô là người đạt đến trình độ đó. Nên ngài có thể nói: “Tôi đã chịu đóng đinh vào thập giá cùng với Chúa Kitô. Nên nếu tôi sống, không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Các tông đồ sau ngày Chúa Phục Sinh cũng đã đi vào tình yêu Chúa Kitô. Các ngài không còn sống theo xác thịt nữa, nhưng sống theo Chúa Thánh Thần. Các ngài sống trong tình yêu. Các ngài thực sự biét Chúa Kitô, biết Chúa Cha và luôn sống theo Chúa Thánh Thần. nên các ngài luôn bình an. Dù gặp gian nan khốn khó, bắt bớ. Nhưng các ngài luôn tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.

Suy niệm: 3 (Giáo Phận Phú Cường).

Đi theo Chúa, chúng ta có những khao khát nào? Chúng ta có những thao thức để “nên thánh như Cha” hay không? Philipphê trong bài Tin mừng đại diện cho tất cả những khao khát của nhân loại, đạt tới hạnh phúc viên mãn: được ở trong nhà Cha là Chúa Cả đất trời. Nơi đó đối với con người tưởng chừng là nơi xa xăm, không ai có thể đạt tới được. Kiếp sống trần gian, đối diện với “bể khổ”, con người đối với nhau cũng có nhiều giằng xé, không ai chịu ai, tha nhân trở nên “địa ngục”…

Có lẽ, đối với Philipphê, một Thiên Chúa bằng “xương thịt” ngoài sức tưởng tượng của thánh nhân. Và đối với một số tôn giáo, họ cũng không nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật mà chỉ là một tiên tri như các tiên tri khác.

Chúa Giêsu trả lời với khẳng định: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”. Như vậy, Chúa đã tỏ hiện dung nhan của Thiên Chúa nhưng con người lại không nhận ra vì Thiên Chúa nơi Người. Phải chăng Chúa Giêsu đã thất bại? Thưa không, Người không thất bại nhưng chính con người đã thất bại. Quả vậy, chúng ta thất bại vì chỉ muốn Thiên Chúa làm theo ý mình. Mỗi người lại cố tưởng tượng ra vì Thiên Chúa theo văn hóa, sở thích cá nhân, có khi theo những gì họ không có được ở trần gian này. Điều đó có thể giúp chúng ta vươn lên trong viễn tượng về Thiên Chúa nhưng cũng có thể kéo chúng ta xuống một thất bại thảm hại và kết quả là một sự thất vọng ê chề diễn ra.

“Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”. Vậy điều trước tiên cần khẳng định ở là chúng ta tin vào Chúa Giêsu, đi theo đường lối của Người, thực thi những gì Người truyền dạy thì mới hy vọng vươn lên cùng Thiên Chúa. Đó là con đường từ bỏ bản thân, vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Đó là khi chúng ta bỏ đi chính cái nhìn hạn hẹp về Thiên Chúa và tha nhân nhưng mặc lấy con người mới, để cho ân sủng Thiên Chúa thực hiện cách dồi dào phong phú.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin giúp chúng con sống niềm tin của mình cách vững vàng và biết tín thác trọn vẹn cho Chúa mà thôi. Amen. 

Suy Niệm 4 : Kết hợp với Chúa, làm được mọi sự

Chúng ta nghe nói đây đó nhiều vị thánh đã làm phép lạ cách phi thường. Có nhiều đấng làm phép lạ ngay khi còn sống, chẳng hạn như thánh Giêrađô, Vinh Sơn, Mattinô…

Đứng trước những phép lạ đó, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên! Tuy nhiên, chìa khóa để mở ra sự bất ngờ này, chính là sự kết hiệp mật thiết sâu xa giữa các thánh và Đức Giêsu. Vì thế, việc phi thường các thánh làm thực ra không phải, mà là Chúa đang hành động nơi các ngài.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói rất rõ về sự kết hiệp này. Câu chuyện được khởi đi từ sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên của Philípphê khi ông cất lên hỏi Đức Giêsu về một sự kiện có tính siêu nhiên: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Đức Giêsu đã trách nhẹ ông, vì Ngài đã ở với các ông bấy lâu, giảng dạy nhiều điều, đã làm những dấu lạ điềm thiêng, cũng như mạc khải cho ông biết Ngài từ Chúa Cha mà đến, và làm những việc của Chúa Cha, vậy thì tại sao ông và các môn đệ vẫn không tin??? Thật là đáng buồn! Vì thế, Đức Giêsu nói với ông Philípphê rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm”.

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn dạy cho các Tông đồ một bài học về sự kết hiệp. Không kết hiệp với Ngài thì không thể làm được việc gì. Nhưng nếu kết hiệp với Ngài thì sẽ làm được mọi chuyện như chính Ngài đã làm và có khi còn hơn thế nữa… Khuôn mẫu của sự kết hợp chính là giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha. Người môn đệ khi ra đi loan báo Tin Mừng cũng vậy! Phải kết hợp chặt chẽ với Chúa như cành liền cây. Có thế, chúng ta mới trở thành người mang Tin Mừng cho anh chị em mình. Không có điều này, chúng ta sẽ chỉ làm những chuyện mà chúng ta thích chứ không phải là Thiên Chúa muốn! Và theo lẽ đương nhiên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì vì chúng ta đã không nhân danh Đức Giêsu mà xin với Thiên Chúa. Chính vì điều này, mà chúng ta thấy nhiều sứ giả của Chúa bị thất bại, gãy cánh…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống sự hiệp thông chặt chẽ với Chúa để chúng con trở thành chứng nhân chân thật nhờ biết gắn bó với Ngài. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 5 : Để dung mạo Chúa nổi hiện qua cuộc sống

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha vô hình. Ngài là mạc khải về Chúa Cha. Cũng thế, Kitô hữu là gương soi phản ảnh về Chúa Giêsu. Hãy sống sao để dung mạo Chúa Giêsu nổi hiện qua cuộc sống của người Kitô hữu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian để mở mắt cho con nhìn vào Chúa mà thấy rõ Chúa Cha trên trời. Thánh Ý Chúa Cha vốn nhiệm mầu, nhưng Chúa đã dạy cho con biết. Loài người nhờ Chúa mà an tâm biết cách thờ phượng cho đẹp lòng Cha trên trời. Cứ nhìn vào đời sống của Chúa trên trần gian mà con hiểu được tấm lòng khoan dung của Chúa Cha và sống sao cho đúng phận làm con.

Lạy Chúa, bao anh chị em quanh con trên thế giới này còn chưa biết Chúa. Chúa đến trần gian cho con nhìn vào Chúa mà biết Cha trên trời. Bao giờ Chúa cũng sai con đi đến với anh em để anh em nhìn vào con để biết Chúa. Chúa là mạc khải về Cha, còn Kitô hữu là tấm gương phản chiếu hình ảnh Chúa. Nhìn vào cuộc sống của Chúa hoàn toàn vâng theo Ý Cha, con nhận ra hình ảnh Cha trên trời. Xin cho con biết sống theo Thánh Ý Chúa để dung mạo Chúa được hiện rõ nơi bản thân con. Điều đẹp ý Chúa, xin dạy con thực hiện, để con trở thành tấm gương tốt, phản ánh trung thực về Chúa.

Xưa ông Mô-sê lên núi Si-nai gặp Thiên Chúa, nhờ đó ánh quang vinh từ Thiên Chúa tỏa ra làm cho mặt ông chói ngời. Ngày nay, xin cho con cũng biết tiếp xúc với Chúa để đời con biết trở nên tốt mà đủ sức giới thiệu Chúa cho anh em con. Xin cho con được gặp Chúa qua thánh lễ, qua kinh nguyện hằng ngày, để đời sống con chìm ngập trong ánh sáng của Chúa và chiếu tỏa ánh sáng ấy cho anh em con. Amen.

Ghi nhớ: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”.

Suy Niệm 6 : Thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ về Chúa Cha. Tất cả đời sống của Đức Giêsu: lời nói, suy tư, việc làm… đều qui về Chúa Cha. Và cũng trong Đức Giêsu, mầu nhiệm cao siêu của Chúa Cha được bầy tỏ cách hoàn hảo nhất. Trong Cha có Con và trong Con có Cha. Vì thế, tin vào Đức Giêsu là tin vào Chúa Cha. Và xin gì với Chúa Cha nhân danh Đức Giêsu thì chính Đức Giêsu thực hiện.

2. Ông Philipphê xin với Thầy Giêsu: “Xin cho chúng con thấy Chúa Cha”, điều đó chứng tỏ khao khát của ông cũng là khao khát của biết bao người, những người thiện chí không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa. Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ về Chúa Cha, về mối tương quan của Ngài với Cha: “Ai biết Thầy là biết Cha” và “Ai thấy Thầy là thấy Cha”, vì “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”. Lời nói và việc làm của Đức Giêsu chính là lời nói và việc làm của Thiên Chúa. Tất cả đời sống của Đức Giêsu: Lời nói, suy tư, việc làm… đều qui về Chúa Cha.

Chúa Cha được bầy tỏ cách hoàn hảo nhất trong Đức Giêsu: Trong Cha có Con và trong Con có Cha. Vì thế, tin vào Đức Giêsu là tin vào Chúa Cha. Và xin gì với Chúa Cha nhân danh Đức Giêsu  thì được chính Đức Giêsu thực hiện.

3. Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật và là người thật. Đứng về phương diện loài người, Đức Giêsu giống chúng ta mọi đàng, chỉ khác một điều là không có tội. Quả thế, con người là con đường dẫn về với Chúa. Thiên Chúa xem ra không chọn lựa một con đường nào khác hơn để tỏ mình ra cho bằng con đường con người. Ngài đã nói bằng cả lịch sử của dân Israel, và cuối cùng, như tác giả thư Do thái khẳng định: Ngài đã nói bằng người Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ta là đường”, chỉ qua Ngài, con người mới có thể biết Thiên Chúa là ai và nhất là mới có thể đến với Thiên Chúa.

4. Tuy chưa thấy nhan thánh Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, con người vẫn có thể đi vào tương quan mật thiết với Ngài, Thiên Chúa mà chúng ta có thể chiêm ngắm qua Đức Giêsu không phải là một pho tượng bất động, mà là một ngôi vị sống động. Đức Giêsu đã mạc khải ngôi vị ấy như một người cha yêu thương. Do đó, tương quan của con người với Thiên Chúa không phải là tương quan chủ – tớ; con người không đến với Thiên Chúa bằng tâm tình của người nô lệ sợ hãi, mà là bằng lòng tin tưởng phó thác của một người con (Mỗi ngày một tin vui).

5. Khao khát được biết Thiên Chúa là khát vọng chính đáng của con người, và cùng đích của con người là được đời đời chiêm ngưỡng thánh nhan Cha. Chính vì thế mà sau khi Đức Giêsu nói về Thiên Chúa Cha, tông đồ Philipphê đã không ngần ngại thưa với Đức Giêsu rằng: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con đã mãn nguyện”.

Thấy Thiên Chúa Cha ư? Con mắt phàm tục không nhìn thấy Thiên Chúa. Đó là điều được nói đến trong Cựu ước, rằng  không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống: Maisen phải che mặt khi đối diện, Êlia chỉ được nhìn thấy phía sau, các tổ phụ, thẩm phán, và tiên tri chỉ thấy Chúa qua các thiên sứ hoặc các biến cố như mây, lửa… Và chính Đức Giêsu cũng khẳng định: “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng phải nhờ Chúa Con mạc khải cho”. Mở đầu bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

6. Theo gương Đức Giêsu, chúng ta cũng phải giới thiệu Chúa cho những người khác. Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, được đứng thẳng như những con người tự do. Như vậy, cũng trong mức độ sống tự do và trưởng thành, con người trở thành con đường dẫn về với Chúa. Thật thế, một nhân cách sung mãn là con đường dẫn về với Chúa. Đức Giêsu là đường dẫn về với Chúa Cha theo ý nghĩa ấy: không ai đã là người một cách sung mãn hơn Ngài. Đi trên con đường về với Chúa Cha là chính Đức Giêsu, người Kitô hữu cũng được mời gọi trở thành lối dẫn về với Chúa, nhưng họ chỉ có thể  là lối dẫn về với Chúa, khi nhân cách của họ cũng được sung mãn như chính Đức Giêsu.

7. Truyện: Không ai nhìn thấy Thiên Chúa.

Một vị vua nọ nảy ra ý nghĩ táo bạo, ông cho mời các lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần phải làm thế nào cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu.

Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm thế nào có thể thỏa mãn được một ước muốn càn rỡ như thế. Biết được mối lo âu của các nhà lãnh đạo, một kẻ chăn chiên đến xin các vị lãnh đạo tôn giáo được làm công việc đó.

Vào một buổi sáng như đã hẹn, kẻ chăn chiên dẫn nhà vua đến  đồng cỏ nơi anh ta thường chăn súc vật. Họ đi bộ, chứ không dùng xe, khi tới nơi, mặt trời đã gần đỉnh ngọ. Kẻ chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và xin nhà vua nhìn.

Vua nổi giận bảo anh muốn làm mù đôi mắt của ông hay sao. Bấy giờ kẻ chăn chiên mới quì xuống trước mặt vua và thưa: “Tâu bệ hạ, chỉ một vật do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng mà ánh quang của nó rực rỡ đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa được”?

Chính lúc ấy, nhà vua đã nhìn thấy Thiên Chúa không phải bằng đôi mắt trần gian, nhưng bẳng đôi mắt của niềm tin.

Suy Niệm 7 : Nhìn qua Chúa Giêsu

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Chủ đề hôm nay: Chúa Giêsu là mặc khải của Chúa Cha.

1. Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi người, nhất là người tín hữu. Môisen xưa đã có lần khao khát được nhìn thấy dung nhan Chúa. Thánh Augustinô có lần đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, lòng con khắc khoải và còn khắc khoải mãi cho đến khi được nhìn thấy Chúa”.

Nhưng làm sao để được nhìn thấy Chúa thì Chúa Giêsu đã cho chúng ta một phương thế. “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy” (Ga 14,9). Muốn thấy Thiên Chúa, con người phải nhìn qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là hiện thân sống động của Thiên Chúa Cha. “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30). Nhìn qua Chúa Giêsu ta có thể biết Chúa Cha như thế nào: Nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với những kẻ tội lỗi…Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.

2. Nguyên tắc thì là như thế, nhưng trong thực tế có rất nhiều người hầu như chẳng bao giờ thấy được Chúa. Tại sao thế ? Tại vì họ thiếu lòng khao khát.

Một môn đệ nọ đến trước mặt sư phụ mình và cung kính xin sư phụ của mình chỉ cho anh biết cách tìm thấy Chúa. Vốn là một học giả uyên thâm, ông thầy chỉ mỉm cười mà không nói gì cả. Một hôm, nhân lúc trời nóng bức, thầy trò liền rủ nhau ra sông tắm. Môn đệ nhảy xuống sông, vùng vẫy, bơi lội thoải mái giữa dòng nước trong. Ngắm nhìn đệ tử một lát, rồi sư phụ cũng nhảy xuống, bơi đến cạnh người môn đệ. Bất chợt ông nắm tóc anh dìm xuống dưới nước hồi lâu. Người môn đệ hốt hoảng, vùng vẫy cho đến lúc thầy mình buông ra, anh vội trồi đầu lên thở hít mạnh. Sư phụ hỏi:

– Lúc thầy dìm con dưới nước, con khao khát cái gì hơn hết ?

Môn đệ ngạc nhiên, trả lời:

– Lúc đó, con chỉ khao khát khí trời mà thôi.

Sư phụ lại hỏi:

– Vậy thì con có khao khát Chúa như vậy không ? Nếu con khao khát Chúa nồng nhiệt như thế, thì con sẽ tìm thấy Ngài. Bằng không, thì dù con có miệt mài suốt cuộc đời trên sách vở, thì cũng chẳng ích gì. Con không thể nào tìm thấy Chúa nếu con không khao khát Chúa như khao khát khí trời để sống. (MV).

3. Thứ đến là phải thay đổi lối nhìn của mình. Bằng cặp mắt thịt thì chúng ta chỉ nhìn thấy những gì là vật chất. Thiên Chúa là Thần Khí, là Tinh Thần cho nên muốn thấy Người chúng ta phải dùng cặp mắt đức tin.

Trong tập truyện biến ngôn, Linh mục Guillemetre đã kể lại câu chuyện sau đây:

Có một người đàn bà đạo đức nọ, suốt đời chỉ nuôi một nỗi khát khao duy nhất, đó là được xem thấy dung nhan Chúa trước khi chết.

Một đêm nọ, trong giấc mơ của bà, Thiên Chúa cho biết Ngài sẽ đến thăm bà nội trong đêm mai.

Thế là ngày hôm sau, người đàn bà đã sửa soạn nhà cửa và chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để đón tiếp và đãi “Vị Thượng Khách”.

Người đàn bà chờ đợi mãi mà vẫn không thấy Chúa đến. Đêm về khuya, buồn ngủ quá, bà đã thiếp đi trong sự chán nản. Bỗng có tiếng gọi. Bà tỉnh dậy và thấy Chúa bảo:

-Tại sao Cha đến mà con không tiếp đón Cha ?

Người đàn bà đã giải thích là bà đã ngồi chờ đợi Chúa suốt buổi tối ở trước cổng nhà.

Rồi Chúa cho bà biết Chúa đã đến nhà bà bằng cổng sau. Rồi Ngài hẹn đêm sau đó Ngài sẽ đến.

Thế là ngày hôm sau, người đàn bà đạo đức lại chuẩn bị một lần nữa với hy vọng chắc chắn lần này thế nào Chúa cũng cho được gặp Ngài. Chuẩn bị xong bà lại ngồi chờ Chúa, bà chờ mãi cho đến tối, cứ chạy ra cổng trước, rồi chạy vào cổng sau, nhưng tuyệt nhiên không thấy tăm hơi một vị khách nào cả.

Lần này cũng trong giấc mơ, Chúa lại hiện ra và trách bà. Ngài cho biết Ngài đã đến qua cửa sổ. Thế rồi lần này Ngài lại hẹn ở tại một giếng nước trong vùng.

Nghe đến đây, người đàn bà chợt nhận ra trò chơi “cút bắt” của Chúa và ngay lúc đó Ngài giải thích:

– Nếu con chỉ muốn thấy Cha ở một nơi nào đó mà thôi, thì con sẽ không bao giờ thấy Cha được ở mọi nơi. Cha cho con thấy Cha, không phải là một lần trước khi con chết, nhưng là mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trong cuộc đời của con. Và điều kiện để con có thể thấy Cha, là con hãy từ bỏ khát vọng được xem thấy Cha bằng con mắt trần tục, vì con mắt ấy quá hữu hạn không thể nhìn thấy sự vô biên của Cha. Con chỉ có thể xem thấy Cha bằng con mắt của con tim mà thôi.

Vâng! Con người chỉ có thể thấy Thiên Chúa bằng chính đôi mắt của con tim và đôi mắt của con tim chính là đôi mắt đức tin, mà chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho con người mà thôi.

Lạy Chúa, xin cho con được thấy Chúa luôn đồng hành với con trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Amen.

*Xin bấm vào đọc Kinh Phụng Vụ.

*Xin bấm vào nghe chia sẽ Lời Chúa.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: