30/01/2016
1387
Thưa cha, bạn con có một đứa con bị bệnh down, nhưng cơ thể của em phát triển tương đối bình thường. Em năm nay 19 tuổi, em có một bạn gái và hai em muốn tiến tới hôn nhân, vậy việc kết hôn của em có được thực hiện theo nghi thức công giáo không, vì em là nguòi công giáo.
a- Theo Dân luật:
Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) quy định về việc mất năng lực hành vi dân sự: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự” (khoản 1 Điều 22).
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (LHNGĐ) quy định về điều kiện kết hôn: “1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này; 2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (Điều 8).
b- Theo Giáo luật:
Ðể lãnh nhận Bí tích Hôn Phối cách thành phép (gueltig: valide), hai người cần hội đủ ba điều kiện căn bản sau đây:
(1) Cả hai đều có khả năng về thể lý và tâm lý, để sống đời hôn nhân.
(2) Họ phải công khai hóa sự ưng thuận lấy nhau làm vợ làm chồng (causa efficiens).
(3) Họ đã cử hành Bí tích Hôn Phối theo nghi thức của GH.
Nếu thiếu một trong ba điều kiện trên đây, Bí tích Hôn Phối dù đã lãnh nhận vẫn bị Gíao Hội coi là bất thành (ungueltig: invalide). Trong ba điều kiện nêu trên, điều kiện thứ nhất khá phức tạp, xin mạn phép giải thích thêm như sau:
a) Hai người đó phải gồm 1 người nam và 1 người nữ. Cả hai đều là người Công giáo. Ðó là trường hợp bình thường. Trường hợp ngoại thường, cần xin phép (Erlaubnis: permission) nếu là hôn nhân dị tín hoặc xin chuẩn (Dispens: dispense) nếu là hôn nhân dị giáo.
b) Hai người phải hoàn toàn tự do: Tự do được hiểu theo hai nghiã sau đây: (1) Không bị ép buộc bởi bất cứ ai, hoặc bởi bất cứ điều gì (thí dụ: sợ hãi); (2) Không bị cản trở bởi Giáo luật hoặc luật tự nhiên.
c) Hai người phải có ý hướng kết hôn thật tình: Nghiã là, họ thực lòng muốn lấy nhau làm vợ làm chồng, muốn chung sống với nhau, để hưởng quyền lợi cũng như giúp nhau chu toàn bổn phận trong đời sống hôn nhân. Y¨ hướng đó cần phải được công khai hóa qua lời hôn ước: “Tôi là… nhận em/ anh… làm vợ/ chồng…” Ðây là yếu tố nền tảng để xây dựng hôn nhân và cũng là yếu tố nền tảng để lãnh nhận Bí tích Hôn Phối. Vì thế, nếu thiếu ý hướng này, Bí tích Hôn Phối không thể thành phép được.
Dựa trên yếu tố nền tảng trên, những trường hợp sau đây có thể coi là thiếu ý hướng kết hôn thật lòng:
(1) Những người mắc tâm bệnh, không còn sử dụng được lý trí của mình nữa.
(2) Những người thiếu khả năng suy nghĩ và phán đoán, không còn biết đến quyền lợi cũng như trách nhiệm của hôn nhân.
(3) Những người bất lực về tâm lý để sống đời hôn nhân. Thí dụ: đồng tình luyến ái hoặc cự tuyệt mọi chuyện liên quan tới tính dục…
(4) Do lầm lẫn: Lấy lầm người (personne) muốn lấy; kể cả khi lầm lẫn về phẩm chất (qualité) của người đó, nếu phẩm chất này được coi là yếu tố quyết định để thành hôn.
(5) Do gian lận: Chính đương sự hoặc người thứ ba đã gian lận hoặc che giấu sự thật để đạt mục đích kết hôn.
(6) Ðóng kịch. Thí dụ: Thực tình không muốn thành vợ chồng, nhưng vẫn cưới, để hưởng quyền cư trú, di dân… hợp pháp do hôn thú đem lại; hoặc khi đương sự không chấp nhận hoàn toàn những yếu tính của hôn nhân (bất khả phân ly…)
(7) Ðặt điều kiện rồi mới kết hôn. Thí dụ: đặt điều kiện chỉ lấy, nếu người đó là người dị tình luyến ái (hétérosexuel). Nhưng sau khi cưới, mới biết được họ là người đồng tình luyến ái (homosexuel).
(8) Bị áp lực hoặc do sợ hãi mà kết hôn.
Ai rơi vào một trong những trường hợp nêu trên, sẽ không thể lãnh nhận Bí tích Hôn Phối thành phép được. Mà dù có lãnh nhận, Bí tích đó vẫn vô hiệu và bất thành phép. Trong trường hợp này, ai đã lãnh nhận Bí tích Hôn Phối với người đó có thể xin tiêu hôn, để lãnh nhận Bí tích Hôn Phối thành phép với một người khác.
Như vậy, nếu con của bạn con là người thiếu khả năng suy nghĩ và phán đoán, không còn biết đến quyền lợi cũng như trách nhiệm của hôn nhân, thì không thể tiến hành hôn nhân theo Giáo luật qui định
Lm. Antôn Hà Văn Minh