Phụng Vụ Thánh Lễ

CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM A.

BÀI ĐỌC I: St 2, 7-9; 3, 1-7

“Nguyên tổ được tạo thành, và phạm tội”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một vật sống.

Thiên Chúa lập một vườn tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết thiện ác.

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng: “Có phải Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?” Người nữ nói với con rắn: “Chúng tôi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa bảo: “Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không sẽ phải chết”. Rắn bảo người nữ: “Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”.

Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).

1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

2) Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn. Con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.

3) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

4) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen.

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 12-19

“Chỗ mà tội lỗi đã đầy tràn, thì ân sủng đã đầy dàn dụa”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội ở trần gian. Nhưng nếu không có luật, thì tội không bị kể là tội.

Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Ðấng sẽ tới. Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa.

Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra.

Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô.

Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế.

Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

PHÚC ÂM: Mt 4, 1-11

“Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và chịu cám dỗ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói.

Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'”.

Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Ðền thờ, rồi nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá”. Chúa Giêsu đáp: “Cũng có lời chép rằng: “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi”. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài”.

Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.

Đó là lời Chúa.

1.  Quỷ bỏ Người mà đi—‘Manna’–Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

Suy Niệm

Sống là chịu tác động của hoàn cảnh bên ngoài.

Có những điều nâng đời sống của ta lên,

và cũng có những điều khiến ta ngã qụy.

Chấp nhận làm người là chấp nhận bị cám dỗ.

Cám dỗ từ bên ngoài, từ quỷ dữ, từ tha nhân…

Cám dỗ từ bên trong, từ đòi hỏi của bản năng tự nhiên, của thân xác,

từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim.

Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ,

nhưng phận người lại cao cả hào hùng

vì con người có thể thắng được mọi cơn cám dỗ

bằng một lựa chọn đầy tự do.

Nhìn lại ba cơn cám dỗ tiêu biểu của Đức Giêsu,

ta thấy chúng có một mẫu số chung.

Đó là Ngài bị lôi kéo sống cho mình,

lo cho mình, xây đắp cho mình.

Dù là dùng quyền năng Cha ban

để biến đá thành bánh ăn cho đỡ đói.

Dù là nhảy xuống từ nóc Đền thờ

như một thách đố đối với Thiên Chúa yêu thương,

hay như một biểu diễn ngoạn mục để thu hút quần chúng.

Dù là sấp mình bái lạy Satan

để được nắm mọi quyền hành trên muôn nước.

Giàu sang, quyền lực, khoái lạc

vẫn là những cám dỗ muôn thuở,

cho mọi người, mọi tập thể đạo đời.

Đức Giêsu đã thắng được các cơn cám dỗ.

Cơn cám dỗ lớn nhất là quay vào mình, chọn mình

thay vì chọn Chúa và anh em.

Chúng ta cần nhận ra những cơn cám dỗ hiền lành,

mang một lớp vỏ bên ngoài vô hại.

Một số bạn trẻ Thái Lan mơ ước có được 7 điều,

tất cả đều bắt đầu bằng chữ C theo tiếng Anh:

xe hơi, điện thoại di động, quần áo, máy vi tính,

một căn hộ sang trọng, thẻ tín dụng, thuốc ngừa thai.

Không phải vật chất là điều xấu.

Nhưng nếu con người bị ám ảnh bởi vật chất

và coi đó là mục đích duy nhất của đời mình,

thì cuộc sống sẽ nghèo nàn biết chừng nào!

Sống đâu phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để hiến trao.

Con người đâu phải chỉ là thân xác, mà còn là tinh thần.

Cuộc sống đâu phải chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau.

Cần tập chiến thắng cơn cám dỗ bằng cầu nguyện, hy sinh.

Hy sinh là làm chủ các giác quan và trí tưởng tượng,

là khiêm tốn nhận mình yếu đuối, mỏng dòn,

là dám cương quyết từ chối: “Hãy xéo đi, Satan.”

Gợi Ý Chia Sẻ

Chúng ta thường đứng trước những chọn lựa: chọn giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái chính và cái phụ; chọn cái tốt hơn giữa những cái tốt; chọn cách tốt hơn để làm một điều tốt… Có khi nào bạn bị giằng co khi phải chọn lựa không?

Chúa có thể gửi đến cho ta những thử thách. Nếu vượt qua được, chúng ta sẽ trưởng thành và lớn lên trong tình yêu. Bạn có khi nào vượt được một thử thách nho nhỏ hay lớn lao không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lòng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

2.  Những cơn cám dỗ–TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Có nhiều người thắc mắc: Ăn chay là gì? Phải chăng là để dằn vặt thân xác, hành khổ con người cho Chúa vui lòng? Hỏi như vậy là chưa hiểu đạo, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc ăn chay. Chúa đâu phải quá độc ác, bệnh hoạn, vui lòng khi thấy con người chịu khốn khổ. Ăn chay một phần để hy sinh đền tội, nhưng mục đích chính của việc ăn chay là để thao luyện tâm hồn chống lại quỷ dữ.

Ngày nay người ta quên sự có mặt của ma quỷ. Nhưng ma quỷ vẫn có đó và và vẫn tích cực hoạt động nhằm phá huỷ thế giới, tiêu diệt con người. Ma quỷ rất tinh ma xảo quyệt nên người ta khó nhận ra âm mưu, dấu vết của chúng.

Nhìn vào ba cuộc ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu, ta thấy ma quỷ rất tinh khôn. Nó có kế hoạch, có chiến thuật, tấn công nhiều đợt, nhiều bước.

Thoạt tiên ma quỷ tấn công vào những bản năng sơ đẳng nhất nơi con người: bản năng sinh tồn, bản năng thống trị, bản năng đối nghịch. Những bản năng ấy gắn liền với những nhu cầu căn bản, chính đáng của con người.

Kéo chú ý của người ta vào những nhu cầu rồi, ma quỷ tiến bước thứ hai, đó là phóng đại những nhu cầu đó lên, làm cho người ta lầm tưởng rằng, đó là những nhu cầu cấp bách, phải thoả mãn ngay tức khắc.

Khi ta đã hoàn toàn mê mẩn vì cái bẫy nhu cầu, ma quỷ mới đẩy ta đến bước thứ ba, đó là tìm thoả mãn những nhu cầu theo ý riêng mình. Cách giải quyết đó ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích sau cùng của ma quỷ là xúi giục ta phản loạn, không sống tâm tình người con hiếu thảo với Chúa, chống lại Chúa và sau cùng lìa xa Thiên Chúa.

Ông bà nguyên tổ đã rơi vào bẫy của ma quỷ nên đã không sống tâm tình của người con hiếu thảo, muốn lìa bỏ cha mình, muốn ngang bằng cha mình, muốn chống lại cha mình.

Chúa Giêsu, trái lại, đã sáng suốt vạch trần âm mưu của ma quỷ và kiên quyết sống tâm tình của người con hiếu thảo.

Khi ma quỷ phóng đại nhu cầu, muốn cho Chúa Giêsu tưởng rằng con người chỉ là vật chất, chỉ sống nhờ bánh vật chất, vật chất là tất cả đời sống. Chúa Giêsu đã sáng suốt chỉ cho ta thấy vật chất không phải là tất cả, bánh vật chất của trần gian là cần, nhưng bánh tinh thần của trời cao còn cần hơn.

Khi ma quỷ thúc giục Chúa Giêsu hãy thoả mãn tức khắc nhu cầu của mình, Chúa Giêsu đã biết kiên nhẫn chờ đợi. Khi ma quỷ khích Chúa Giêsu dùng quyền năng riêng của mình để thoả mãn nhu cầu, Chúa Giêsu đã từ chối. Người muốn vâng phục Đức Chúa Cha, tin tưởng phó thác vận mệnh trong tay Chúa Cha, để mặc Chúa Cha quyết định.

Tuy đã thắng trong cuộc đọ sức đầu tiên, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị ma quỷ cám dỗ trong suốt cuộc đời. Cơn dỗ khi thì đến từ những người tin theo Chúa, muốn tôn Chúa làm vua để được ăn no nê bánh vật chất, khi thì đến từ những người chống đối đòi xin phép lạ từ trời xuống. Có lúc ma quỷ mượn chính những người thân tín như Phêrô để ngăn cản Chúa Giêsu thực hành ý Chúa Cha. Có lúc ma quỷ dùng cái chết ghê sợ để uy hiếp tinh thần, mong Chúa Giêsu lùi bước để tìm ý riêng mình. Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ vì Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha. Dù khi phải chiến đấu trong mồ hôi pha máu, Người vẫn nói: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, xin vâng theo ý Cha mà thôi”.

Ma quỷ vẫn đang tiếp tục tạo nên những cơn cám dỗ. Và nhiều khi chúng ta đã mắc bẫy ma quỷ. Ta mắc bẫy ma quỷ khi mải mê đuổi theo những nhu cầu tiêu thụ quá đáng. Ta rơi vào âm mưu ma quỷ khi ta muốn có tất cả và có tức khắc. Ta hoàn toàn nằm trong vòng tay ma quỷ khi ta dùng mọi phương tiện để thoả mãn những nhu cầu, bất chấp ý Thiên Chúa.

Thay vì tuân phục ý Chúa, tôi luôn luôn bắt Chúa làm theo ý tôi. Thay vì vâng lời Chúa, tôi luôn luôn muốn sai bảo Chúa.

Mùa Chay này, Chúa kêu gọi tôi trở về với Chúa. Muốn trở về với Chúa, tôi phải chiến đấu chống lại ma quỷ. Muốn đủ sức chống lại ma quỷ, tôi phải luyện tập bỏ ý riêng mình và tìm vâng phục ý Chúa.

Hãy đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường hy sinh, cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.

Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đón tôi trở về, và sẽ ban sức mạnh để tôi đủ sức chống lại mọi chước cám dỗ, nếu tôi biết sống trọn tình con thảo, tin cậy phó thác vào Người.

Lạy Thiên Chúa là Cha của con, xin đón nhận tâm hồn khiêm nhường sám hối của con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Theo bạn, ngày nay ma quỷ còn hoạt động trong thế giới không? Nếu có, bạn cho một ví dụ.

2) Bạn thường thua hay thắng cuộc khi gặp phải cám dỗ. Thua, tại sao? Thắng, nhờ đâu?

3) Đâu là âm mưu của ma quỷ che dấu đàng sau những cơn cám dỗ?

3.  Cám dỗ–TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do. Nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai cập để được no ấm. Nhưng có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.

+ Cơn cám dỗ thứ nhất: thoả mãn tức khắc mọi nhu cầu.

Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn. Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình. Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của con người thì có nhiều và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Vì thế cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.

+ Cơn cám dỗ thứ hai: muốn có quyền lực thống trị.

Ma quỷ biết Đức Giêsu muốn cứu độ loài người, nên đề nghị tặng Người tất cả các nước trên trần gian. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề nghị của ma quỷ là hợp lý. Cứ có quyền thống trị trên hết mọi dân nước rồi nói gì người ta chẳng nghe. Chúa sẽ không phải mất công chịu đau khổ chịu chết. Chỉ cần quỳ xuống thờ lạy ma quỷ, vua quan dân chúng các nước sẽ răm rắp tuân theo. Thật là tiện lợi. Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại. Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh giành quyền lực. Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn.

+ Cơn cám dỗ thứ ba: tìm những điều kỳ lạ.

Muốn những chuyện thần kỳ. Muốn làm được những việc kinh thiên động địa. Muốn có những thành công lẫy lừng. Cơn cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô đi tìm phép lạ. Cơn cám dỗ xây tháp Ba ben từ ngàn xưa vẫn còn tiếp diễn. Xuyên qua những cơn cám dỗ ấy ta thấy ma quỷ thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc.

Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống xác thịt. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh. Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.

Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ. Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ. Vì tham vọng mà đánh mất chính mình. Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.

Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng. Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa. Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ. Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.

Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.

Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa.

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

SUY NIỆM 4 (Giáo Phận Phú Cường)

Fabricyo Scolari có câu: “ Để quyết định cuộc đời mình, ta phải chọn những cánh cửa mà mỗi ngày ta đóng mở ”; hay dân gian thường nói với nhau: “ cuộc sống là một chuỗi của sự chọn lựa, nếu chọn đúng thì sống tốt, nếu chọn sai thì sống xấu ”. Cả hai câu đều giúp chúng ta đi sâu vào nội dung của bài Tin mừng Chúa Nhật I Mùa Chay. Thánh Matthêu trình thuật cho chúng ta thấy Đức Giêsu phải trải qua ba cơn cám dỗ:

Thứ nhất: Cơn cám dỗ của nhu cầu vật chất do chính ma quỷ thách đố Chúa Giêsu biến đá thành bánh, nhưng Chúa Giêsu đã dạy cho ma quỷ bài học, Người nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”, nghĩa là con người không phải chỉ lo chú tâm đến nhu cầu vật chất, mà phải đi sâu vào những giá trị thiêng liêng, những giá trị của tâm hồn.

Thứ hai: Cơn cám dỗ khai thác Thiên Chúa vì lợi ích của chính mình. Ma quỷ nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi”. Chúa Giêsu đã nói: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Chúa Giêsu đã khẳng định cho chúng ta nhận biết giá trị quan trọng là vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, chứ đừng thách đố Chúa phải làm theo ý mình.

Cuối cùng: Cơn cám giỗ về lòng ham muốn quyền lực và vinh hoa lợi lộc. Ma quỷ nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Như thế, mọi quyền lực và những hoa lợi đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, chúng ta đừng vì ham muốn quyền lực và danh lợi để thỏa hiệp với ma quỷ.

Con người ngày nay cũng dễ bị lôi kéo bởi các cơn cám dỗ mà chúng ta đã kể ra, nếu chúng ta không thận trọng, không khôn ngoan và sáng suốt để phân định, để chọn lựa, cũng như chúng ta không áp dụng những bài học kinh nghiệm mà Lời Chúa đã chỉ dạy thì chúng ta dễ bị lôi kéo và sa ngã.

Xin Chúa ban ơn khôn ngoan của Thánh Thần Chúa để giúp chúng con luôn biết sống theo Lời Chúa. Amen.

Suy niệm : 5 CÁM DỖ TRONG ĐỜI

Chúa Nhật 1 Mùa Chay, năm A :  Mt 4, 1-11

Suy niệm

Chẳng ai mà không bị ma quỉ cám dỗ, không chỉ bị cám dỗ từ ma quỉ mà còn từ tha nhân; không chỉ bị cám dỗ từ bên ngoài mà còn bị cám dỗ từ bên trong: từ đòi hỏi do bản năng tự nhiên của thân xác, từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim. Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ, nhưng phận người lại cao cả vì con người có thể thắng được mọi cơn cám dỗ bằng một lựa chọn đầy tự do. Nhìn lại ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu, ta thấy ba phương diện của đời sống: về của ăn vật chất, về danh giá quyền hành, và về sự ỷ lại vào quyền năng Thiên Chúa. Đức Giêsu chiến thắng cả ba loại cám dỗ bằng cách dựa vào Kinh Thánh để vạch trần âm mưu của ma quỉ.

Thứ nhất là cám dỗ về của ăn vật chất. Khi biết Đức Giêsu đã đói vì những ngày chay tịnh, tên cám dỗ nói với Ngài hãy biến hóa những hòn đá thành bánh mà ăn. Đây là thứ cám dỗ sử dụng khả năng Chúa ban chỉ nhằm lợi ích cho bản thân. Như vậy, ơn Chúa ban bị độc chiếm cách ích kỷ. Khi cám dỗ ta ham mê vật chất, giàu có, ma quỉ nhằm triệt hạ đời sống tinh thần, làm cho ta quên đi sức mạnh của Lời Chúa. Với cám dỗ đầu tiên này, ma quỉ đã hạ gục ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng. Dù chẳng đói khát gì nhưng vì ham muốn của ngon vật lạ. Đây là loại cám dỗ hiệu quả nhất, phù hợp với chủ nghĩa thực dụng đang bành trướng. Trước cám dỗ này Đức Giêsu cho thấy:“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi Lời Thiên Chúa phán ra”. Những no thỏa vật chất không thể lấp đầy sự đói khát tinh thần.

Thua keo này gầy keo khác. Tên cám dỗ bố trí cuộc tấn công thứ hai, là thách thức Đức Giêsu gieo mình xuống từ trên nóc đền thờ. Và nó dùng chính lời Kinh Thánh là: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng” (Tv 91,11). Khi cám dỗ chúng ta ham hố danh giá bằng cách làm những việc ngoạn mục để thu hút dân chúng, hoặc lợi dụng quyền lực và uy thế của mình để sống trên người khác, ma quỉ làm cho chúng ta quên mất mình là con cái Thiên Chúa, khiến ta trở nên kiêu căng, ngạo mạn. Không có Lời Chúa định hướng và làm nguyên tắc cho đời sống, ta dễ chạy theo thế gian, sống theo thế gian. Chỉ có Lời Chúa mới kịp thời cảnh tỉnh ta, để khỏi rơi vào mê hồn trận của ma quỉ. Vì thế trước cám dỗ này, Đức Giêsu cũng dùng chính Kinh Thánh để đối lại: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Dnl 6, 16). Thử Chúa là một thái độ ngông cuồng. Cứ lao mình vào chỗ nguy hiểm, hoặc hành động cách cẩu thả, liều lĩnh, rồi trông chờ Chúa cứu là việc làm dại dột.

Thật ra cám dỗ thứ ba mới là một đòn chí mạng, vì nó nhằm đến sự khoái lạc, một sự kích thích đam mê mạnh mẽ nhất trong con người, thuộc bản năng sinh tồn. Để làm chuyện này, quỷ đưa Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian và mọi vinh hoa lợi lộc của nó, Ngài sẽ được tất cả nếu Ngài sấp mình bái lạy nó. Đúng là một chiêu thức độc hại: được ăn cả ngã về không. Thật ra đây là một cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nếu Đức Giêsu đến nhằm thu phục thế gian, thì ở đây chỉ cần Ngài thỏa thuận theo đề nghị của ma quỷ, là Ngài sẽ được sở hữu tất cả một cách dễ dàng, mà không cần phải qua con đường thập giá theo ý định của Chúa Cha. Chiến thuật điều đình của ma quỉ thật hấp dẫn, nhưng cuối cùng cũng thất bại vì Đức Giêsu quyết một mực tuân hành Ý Cha. Ngài trích Kinh Thánh để đòi tên cám dỗ: “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Ðức Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Dnl 6, 13). 

Cả ba cám dỗ đều có một mẫu số chung là nhằm tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa để quy về chính mình. Khi đặt mình là trung tâm, là tất cả, thì người ta trở nên nô lệ cho chính mình, và cuối cùng là đánh mất chính mình. Biểu tượng của ba cám dỗ trên là giàu sang, quyền lực và khoái lạc, vẫn luôn là cái bẫy khó thoát cho đời nhân thế. Vật chất không xấu nhưng còn là điều mà người ta phải làm nên để góp phần cho cuộc sống tốt hơn, xứng đáng với phẩm giá con người. Nhưng chỉ dừng lại ở đó sẽ đánh mất ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời mình.

Thiên Chúa mới là tất cả chứ mọi sự khác không là gì cả, vì mọi sự cũng chỉ là tạm thời, là phương tiện nhất thời, để làm nên cái đời đời. Điều đó mời gọi chúng ta hãy ra khỏi cái tôi của mình để trao hiến, để làm giàu đời sống tinh thần. Cần đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường cầu nguyện, ăn chay, làm việc bác ái, siêng năng thánh lễ. Như Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ chiến thắng mọi cám dỗ, nếu ta sống gắn bó với Chúa và thực thi Lời Ngài (x. Mc 14,38).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa chấp nhận thân phận làm người thế,
nên cũng đã chấp nhận mọi cám dỗ,
để cho thấy đường lối ơn cứu độ,
và rồi Chúa đã chiến thắng tất cả,
khi dám lựa chọn hy sinh tất cả,
luôn một lòng theo thánh ý Chúa Cha.

Nếu đời con có đầy những lựa chọn,
thì cũng đầy những cám dỗ không ngơi,
luôn xảy ra trong mọi lúc mọi thời,
bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cạm bẫy,
chỉ cần thiếu thận trọng là sa sẩy,
không khôn ngoan con sẽ nhuốm bùn lầy.

Không chỉ những cám dỗ ở bên ngoài
mà còn là những cám dỗ bên trong:
cám dỗ sống khoái lạc cho thân xác;
cám dỗ vô tình và kiêu hãnh con tim;
cám dỗ quyền hành và độc tôn lý trí,
cám dỗ phân bì và bất chấp lương tri.

Cám dỗ nào cũng khiến con khép kín,
xa dần Chúa và quy hướng về mình,
và mất đi tình nghĩa với anh em.

Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ,
nhưng cám dỗ có chỗ trong bản đồ của Chúa,
khi con vượt thắng bằng lựa chọn rất tự do.

Xin cho con bản lãnh Thầy chí thánh,
để vượt qua những cám dỗ trong đời,
bằng cầu nguyện và chay giới không ngơi,
dù sai phạm và bao lần vấp ngã,
vẫn đứng lên tiếp tục cuộc hành trình,
cho tới ngày gặp được Chúa hiển vinh. Amen.

Lm. Thái Nguyên

*Xin bấm vào đọc Kinh Phụng Vụ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: