Phụng Vụ Thánh Lễ.

Thứ Hai tuần 7 Phục Sinh.

BÀI ĐỌC I: Cv 19, 1-8

“Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?”

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Xảy ra là khi Apollô ở Côrintô, thì Phaolô đi miền thượng du, rồi đến Êphêxô gặp một số môn đồ, và ngài hỏi họ: “Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?” Họ trả lời: “Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói”. Ngài lại hỏi: “Vậy các ngươi đã chịu phép rửa của ai?” Họ thưa: “Phép rửa của Gioan”. Phaolô liền bảo: “Gioan thanh tẩy dân chúng bằng phép rửa sám hối mà rằng: Hãy tin vào Đấng sẽ đến sau ông, tức là Đức Giêsu”. Nghe vậy, họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần đến ngự xuống trên họ, họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri. Tất cả đàn ông chừng mười hai người.

Ngài vào hội đường, và trong suốt ba tháng, Ngài mạnh dạn rao giảng, tranh luận và thuyết phục về nước Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 67, 2-3. 4-5ac. 6-7ab

Đáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).

1) Thiên Chúa đứng lên, quân thù của Người tan rã, và những kẻ ghét Người chạy trốn khỏi long nhan. Như làn khói toả, chúng rã tan, như mẩu sáp ong gần lửa chảy ra, những đứa ác nhân tiêu vong trước nhan Thiên Chúa.

2) Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, danh hiệu Người là Chúa, hãy mừng rỡ hân hoan trước nhan Người.

3) Là Cha kẻ mồ côi, là Đấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt.

ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20

All. All. Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. All.

PHÚC ÂM: Ga 16, 29-33

“Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Đúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”.

Chúa Giêsu đáp lại các ông: “Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1: Thầy không một mình

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Cô đơn trên đời là điều ai cũng sợ.

Phải chăng vì người ta không được dựng nên để sống một mình?

Chẳng phải chỉ người trẻ mới sợ cô đơn và tìm cách tránh né.

Người già cũng sợ không kém.

Người ta sợ đi về thế giới bên kia một mình.

Trong thân phận làm người, Đức Giêsu cũng phải đối diện với nỗi cô đơn.

Ngài không lập gia đình, không có một người bạn đời để chia sẻ.

Bù lại, Ngài có những người thân yêu ở làng Nadarét.

Nhưng ngay cả cha mẹ Ngài cũng không hiểu hết được Ngài (Lc 2, 50).

Khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài có những người bạn mới là các môn đệ.

Tiếc thay, họ không phải là những người luôn luôn hiểu Ngài.

Ngài muốn chia sẻ cho họ tất cả cái riêng tư giữa Ngài với Cha.

Nhưng họ chưa đủ sức kham nổi.

Đức Giêsu không phải là người thích cô đơn, khép kín.

Ngài dễ đến với dân chúng, với mọi hạng người.

Ngài gặp gỡ họ, loan Tin Vui, và cho họ được tâm thân an lạc.

Các bệnh nhân, tội nhân, trẻ em, phụ nữ,

cũng không ngại đến với Ngài để trò chuyện hay chia sẻ một bữa ăn.

Dù vậy tìm được một sự đồng cảm trọn vẹn nơi con người

vẫn là điều khó đối với Đức Giêsu,

bởi lẽ Ngài còn thuộc về một thế giới khác trên cao.

Ngài mãi mãi là một màu nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp của con người.

Chỉ khi trở về với nguồn cội đời mình,

Đức Giêsu mới ra khỏi được nỗi cô đơn trống trải ấy.

“Tôi không (xét đoán) một mình, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi” (Ga 8, 16).

Chính vì Đức Giêsu luôn nói và làm mọi sự theo ý Cha,

nên Ngài chẳng bao giờ cô đơn.

“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi một mình,

vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).

Vào giây phút chia ly này, khi Đức Giêsu biết điều sắp xảy đến:

“anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả, và để Thầy một mình.

Nhưng Thầy không một mình đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (c. 32).

Đức Giêsu không cô đơn trong cuộc sống,

mà ngay cả khi Ngài kêu lớn tiếng trên thập giá:

“Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?” (Mc 15, 34),

lúc đó lại là lúc Đức Giêsu gần Cha hơn cả, kết hợp với Cha hơn cả.

Đức Giêsu thực sự chẳng bao giờ cô đơn tuyệt đối,

vì Cha thực sự chẳng bao giờ bỏ Ngài,

và Ngài cũng chẳng bao giờ bỏ Cha.

Chúng ta xin được ơn dám chịu cô đơn trước thế gian tội lỗi,

để được một mình với Chúa.

Cầu nguyện:

Giữa những ồn ào của đám đông,

Giữa những sôi nổi của thành công

Và ê chề của thất bại,

Xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng,

Giữa những khát khao thèm muốn

Và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,

Xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,

Giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,

Chẳng có ai để cậy dựa,

Xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,

Để một mình ở đó, trầm lắng và bình an.

Suy niệm 2: Thầy đã thắng thế gian

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thầy đã thắng thế gian”. Lời nói đầy khích lệ đối với các môn đệ trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế gian là một trận chiến khốc liệt. Vì là trận chiến toàn diện. Thế gian có tất cả, bao trùm tất cả. Vì là trận chiến cô đơn. Ta chỉ có một mình chống lại tất cả. Vì thế gian bàng bạc khắp nơi. Ngấm cả vào máu thịt. Nên chống lại thế gian là phải chống lại chính mình.

Chống lại thế gian là một trận chiến cô đơn vì không ai có thể giúp ta. Ta phải tự mình chiến đấu.Nhưng chính trong cô đơn ta gặp được Thiên Chúa. Khi đã dám dứt bỏ tất cả, ta gặp được Thiên Chúa. Ở sâu trong nỗi cô đơn, Thiên Chúa chờ đợi ta như một phần thưởng, như một người bạn thân thiết nhất chỉ xuất hiện khi những bạn bè giả dối ra đi. Như kho tàng chôn giấu trong ruộng. Như viên ngọc nằm trong đá chỉ xuất hiện sau khi loại bỏ những lớp bùn đất bao phủ bên ngoài.

Chiến đấu trong cô đơn đòi hỏi sự trung tín. Khi dám dứt bỏ tất cả, kể cả từ bỏ chính mình, tâm hồn minh chứng một sự trung tín sâu xa với Thiên Chúa. Chính trong sự trung tín, Thiên Chúa hiện diện vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng trung tín.

Chúa Giêsu đã trải qua cuộc chiến khốc liệt và đã chiến thắng. Mọi người đã bỏ Chúa. Chúa đã cảm thấy cô đơn tột cùng. Nhưng rồi Chúa vượt lên trên tất cả và lên cùng Đức Chúa Cha. Các môn đệ chẳng thể đi con đường nào khác ngoài con đường của Thầy. Các môn đệ chẳng thể vượt trội hơn Thầy thoát khỏi nỗi cô đơn. Chúa không hứa giải thoát các ông khỏi cuộc chiến đấu. Chúa loan báo trước cuộc gian nan khốn khó của các môn đệ: “Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khó”. Nhưng chỉ cho các ngài cách thế chiến thắng đó là “Trong Thầy anh em được bình an”. Chỉ đi theo con đường của Chúa, chiến đấu trung tín cho đến cùng, chỉ khi đã vượt thoát hết những ràng buộc của trần gian, người môn đệ mới đạt đến Chúa, mới ở trong Chúa và mới được hưởng sự bình an. Cuộc chiến sẽ rất khốc liệt. Thế gian như miệng sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Nhưng “Hãy can đảm lên vì Thầy đã thắng thế gian”.

Can đảm là ơn Chúa Thánh Thần. Sức mạnh phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Vì thế, như các tín hữu sơ khai, ta hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần ngự đến và giúp ta trong cuộc chiến đấu với thế gian này. Có ơn Chúa Thánh Thần ta mới hi vọng đạt đến chiến thắng. Vượt lên khỏi thế gian và những ràng buộc của nó, ta mới đạt đến sự bình an là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

Suy niệm: 3 (Giáo Phận Phú Cường).

Trong một lần giảng lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chia sẻ: “Lời Chúa chỉ cho mỗi người con đường dẫn về thiên quốc. Đây là hành trình gian nan vất vả, vì là một cuộc hành trình lội ngược dòng”. Thật vậy, những giá trị của Tin mừng là những lời gọi mời của Chúa Giêsu, nhiều khi mời gọi chúng ta đi ngược với những gì mà thế gian mời gọi.

Thế gian nói với chúng ta hãy tìm kiếm cho thật nhiều của cải để có cuộc sống sung sướng an nhàn. Thế gian nói với chúng ta hãy tạo ra quyền lực để sai khiến người khác, để thiên hạ phải suy tôn mình. Thế gian nói với chúng ta hãy lo hưởng thụ vì chết là hết. Thế nhưng qua những lời gọi mời hấp dẫn đó, thế gian lại trao cho chúng ta những bất an và những chênh vênh trong đời sống đức tin. Kinh nghiệm của những người sống đức tin cho thấy điều đó thật đúng, đặc biệt là dường như khi mình càng muốn vươn lên trong đàng thánh thiện thì càng gặp nhiều trở ngại, khó khăn từ ngoại tại lẫn nội tại.

Đối với Chúa Giêsu, điều đó chẳng có gì lạ, bởi chính Người cũng đã phải đối diện với những khó khăn đó. Nhưng khác với chúng ta, Chúa Giêsu không thất vọng, không bỏ cuộc vì Người luôn tin tưởng rằng, “Chúa Cha ở với Thầy”. Chính vì tin tưởng như thế, cho nên Người vẫn tiếp tục bước đi trong những đau thương của đường thập giá để sinh ơn cứu độ cho con người. Hơn nữa, chính chiến thắng của Chúa Giêsu sẽ là động lực để chúng ta vững tin mà bước tiếp hành trình cuộc đời của mình.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết tin yêu và phó thác trọn cuộc đời mình cho Ngài, để dù cuộc đời này có mang lại cho chúng con nhiều trở ngại, nhưng chúng con sẽ không nản chí mà hân hoan tiến về thiên quốc trong ánh sáng phục sinh. Amen.

Suy niệm 4 : Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, chúng ta thấy suốt 300 năm đầu, cha ông ta lớn lên trong thử thách. Một cuộc thử thách triền miên và kéo dài! Còn ngày nay, tuy rất ít hình khổ như  gông cùm, đòn roi và cái chết được trưng ra để tra tấn các Kitô hữu. Tuy nhiên, người Kitô hữu hôm nay phải đối diện với một thử thách mới, một cuộc thử thách mang tính vĩ mô và sâu xa đánh vào tận lương tâm của con người. Phải chăng đây là những thử thách tinh vi và người Kitô hữu khi sống đúng những giá trị của Tin Mừng thì cũng không khác gì một cuộc tử đạo liên lỉ, dai dẳng và kéo dài!

Hôm nay, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết rằng: các ông là những người đi theo Chúa, không có lý do gì các ông không bị bách hại như chính Ngài. Nhưng liền sau đó, Ngài khích lệ các ông: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).

Vững tin vào Lời Chúa phán cùng với sứ mạng đã đón nhận là hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian, nhất là sự xác tín vào niềm vui Nước Trời sau cuộc sống trần gian, các môn đệ đã không sợ gì nguy khốn, các ngài đã băng rừng, vượt suối và chấp nhận mọi sự đau khổ, ngay cả cái chết để loan báo về Tin Mừng tình thương, chân lý và sự sống cho mọi người, để ai tin và đón nhận thì cũng được hưởng niềm vui, hạnh phúc như mình.

Trong cuộc sống của người Kitô hữu ngày nay, hẳn mỗi người cũng đều cảm thấy khó khăn trong việc sống đạo! Thật thế, hơn bao giờ hết, chúng ta đang phải đối diện với những trào lưu tục hóa trên diện rộng, mọi nơi và mọi lúc. Trào lưu đó có thể là một hệ tư tưởng; có thể vì giá trị đạo đức bị đảo lộn; cũng có thể vì miếng cơm manh áo… mà người ta bắt chúng ta phải tin và hành động theo…

Những lúc như thế, Lương Tâm lên tiếng và chúng ta được mời gọi sống những giá trị Tin Mừng ngay trong những thực tại đó. Vẫn biết đây là khó, nhưng hãy cam đảm lên, vì Chúa đã thắng.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con là những người môn đệ của Chúa còn đang loay hoay giữa biển đời. Theo Chúa lên đường để về nơi phúc thật là hành trình xa xôi và vất vả. Xin giúp chúng con biết chạy đến cùng Ngài để đón nhận sự bình an và can đảm mỗi khi mỏi mệt đơn côi. Xin giúp chúng con chiến thắng con người yếu đuối, nặng nề của mình, để chúng con lên đường trong thanh thản và an vui. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy niệm 5 : Can đảm lên, Ta đã thắng thế gian

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: “Trong thế gian, các ngươi sẽ phải khốn khó. Nhưng hãy can đảm lên, Ta đã thắng thế gian”. Đó là lời Chúa Giêsu tiên báo và là niềm an ủi cho mỗi người chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khác với mọi nhà chính trị, trước khi Chúa về cùng Chúa Cha, Chúa đã tiên báo cho những kẻ theo Chúa toàn là những sự khốn khó, nào là bắt bớ, ưu phiền, nào là chống đối, tan rã… Quả thật, hai ngàn năm qua là một bằng chứng cho thấy đã ứng nghiệm cái sự thật đáng sợ đó. Giáo Hội luôn bị bách hại. Tuy nhiên Chúa đã an ủi khích lệ Giáo Hội can đảm lên. Tất cả mọi gian khổ thử thách, dù đáng sợ đến đâu, vẫn không thể ngăn cản Giáo Hội tiến đến chiến thắng cuối cùng mà Chúa dành cho Giáo Hội.

Lạy Chúa, sống giữa thế gian đầy sức mạnh tấn công, đầy gương xấu và mọi thứ lý thuyết đi ngược lại đường lối của Chúa, xin Chúa cho con luôn can đảm, cho con nhớ rằng Chúa đã không báo trước cho con những điều thuận lợi, may lành, mà là báo trước những sự đau khổ, bất lợi và thiệt thòi gắn liền với lý tưởng phụng sự Chúa. Vì thế, khi gặp những nghịch cảnh, con không ngỡ ngàng nhưng biết đón nhận với lòng yêu mến Chúa. Với tình yêu, con sẽ vượt qua tất cả. Khi con thông phần vào thập giá Chúa thì con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh.

Lạy Chúa, Chúa là cùng đích của đời con, xin cho con luôn vững tin vào Chúa, hy vọng nơi Chúa. xin cho con trung thành theo Chúa trên con đường thánh giá, để con dự phần vào chiến thắng của Chúa. Chúa đã chiến thắng thế gian, xin giúp con nhìn lên Chúa mà an tâm tiến bước. Amen.

Ghi nhớ: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Suy niệm 6 : Dũng cảm và tự tin vào Chúa

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Henri Shepler là một tân binh. Viên hạ sĩ sai anh xuống làm việc tại nhà ăn. Anh không đi. Viên hạ sĩ cho là anh bướng và dọa sẽ báo cáo lên cấp trên.

– Được, hạ sĩ cứ việc báo cáo. Tôi đăng ký đi lính chứ không phải đi làm bồi bàn.

Buổi chiều, Shepler bị gọi lên bộ chỉ huy. Đôi chân run run, nhưng lòng anh bình thản, vì anh biết mình hành động đúng. Vị sĩ quan hỏi:

– Có phải sáng nay anh không tuân lệnh cấp trên?

– Đúng vậy, thưa ngài.

– Tại sao anh làm vậy?

– Đơn giản là vì tôi cho rằng công việc trao cho tôi là không đúng. Tôi đăng ký làm người lính chứ không phải làm bồi bàn.

 Vị sĩ quan bật dậy, đến bắt tay anh và nói: “Shepler, anh đúng là hạng người chúng tôi cần. Tôi vui mừng khi thấy anh là con người dũng cảm và tự tin ở mình”.

Suy niệm

Chúa Giêsu nói về sự thương khó của Ngài: Sẽ phải đối diện với sự sợ hãi, đau khổ, nghi ngờ, phản bội khi người bán Thầy như Giuđa, kẻ chối Chúa như Phêrô, và cuối cùng Ngài phải trực diện với cái chết. Nhưng Ngài vẫn phải tiến bước với lòng can đảm, sẵn sàng bước vào một cuộc chiến…

Ðức Giêsu cũng loan báo cho những môn đệ của Ngài qua hình ảnh các môn đệ đến chúng ta, những Kitô hữu mọi thời sẽ phải lao đao khốn quẫn vì bóng đêm tội lỗi, vì thiếu vắng niềm tin. Chúng ta nhiều lúc bế tắc trong cuộc sống. Sự ác lộng hành, sự dữ nhiều khi đè bẹp chúng ta. Tội lỗi tràn ngập thân xác, tâm hồn khiến ta không còn trỗi dậy được nữa. Quyền lực của thế gian lại bách hại người tin…

Chúa Giêsu đi trước chúng ta, Ngài đã vượt qua sức mạnh của sự chết và bóng đêm của tội lỗi. Ngài dạy chúng ta đừng sợ vì Ngài đã chiến thắng thế gian, và hãy vững lòng và can đảm bước đi giữa thế gian… Niềm tin vào Chúa Phục sinh: “Thầy đã thắng thế gian” cho chúng ta sức mạnh vượt những khó khăn trong đời, đối diện và đi lên từ những thất bại, vượt qua những tranh đấu nội tâm và thể xác, những xung đột trong đời sống hàng ngày, thay vì để nó gặm nhấm trái tim hay tiêu cực trốn chạy. Chúng ta hãy can đảm đứng lên xua tan đêm đen, xua tan bóng tối của tội lỗi, phá tan gông cùm xiềng xích của sự hủy diệt. Nhờ sức mạnh của Đấng Phục Sinh.

Khi hiện ra với các môn đệ sau khi Phục sinh khải hoàn, Chúa Kitô đã giúp các môn đệ nhìn tổng thể cuộc đời trong tinh thần Phục sinh mà chính Ngài là một điển hình: Tất cả là để ứng nghiệm Thiên ý. Các Tông đồ được soi chiếu bằng ánh sáng Phục sinh của Thầy, nên hiểu được ý nghĩa hoàn thành cuộc đời. Các ông được mời gọi tiến bước trong cuộc sống loan báo niềm tin Phục sinh và để niềm tin Phục sinh chiếu rọi cho cuộc đời dù phải đối diện bóng đêm của thế gian và sức mạnh của sự dữ…

Trong Chúa Kitô Phục sinh, từng bước đi giữa thế gian, chúng ta mang tâm tình của thánh Phaolô đã xác quyết: “Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,37).

Ý lực sống:

“Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Suy niệm 7 : Hãy vững tin vào Chúa

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Tại sao Phụng vụ lại còn chọn cho chúng ta đọc đoạn Tin Mừng này nữa vì nó lấy lại chủ đề bàn về sự thương khó và chịu nạn của Chúa Kitô? Thưa vì đoạn Tin Mừng này trình bầy cho chúng ta về thân phận của Hội thánh đang dong duổi ở trần gian, vì thế Hội thánh cần phải tin tưởng vào Chúa Kitô Phục sinh để can đảm sống và sống dồi dào trong ơn nghĩa Chúa.

Vì thế, Bài Tin Mừng hôm nay trình bầy cho chúng ta về niềm tin của Hội thánh vào sự chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô Phục sinh để thúc đẩy mọi Kitô hữu, con cái của Hội thánh, biết can đảm giữ vững và trung thành với ơn nghĩa Chúa.

2. Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời của các môn đệ thưa với Chúa Giêsu, rằng các ngài đã tin Người là Đấng từ Thiên Chúa mà đến. Chúa Giêsu ghi nhận niềm tin đơn sơ đó, nhưng cũng hiểu rõ các môn đệ chưa thực sự hiểu đúng về sứ mạng Thiên sai của Người. Bởi cho đến lúc này, các môn đệ tin Chúa Giêsu được sai đến và chỉ chờ cho Người giải phóng dân Do thái khỏi ách thống trị của Rôma và lên ngôi hiển trị, lúc đó các môn đệ sẽ được chia sẻ danh vọng và quyền lực với Thầy. Chính vì thế mà Chúa Giêsu phải nói rõ là sắp đến “giờ của Người”, giờ ở đây không phải là chiêu tập binh mã để giải phóng theo kiểu trần thế, mà là “giờ đi vào cuộc khổ nạn”, giờ môn đệ sẽ tán loạn bỏ lại Người một mình.

3. Từ trước tới nay, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để dạy các ông về Ngài, về Thiên Chúa và về Nước Trời, nhưng giờ đây lúc Thầy trò sắp chia ly, Ngài không dùng dụ ngôn nữa và dạy bảo những lời rõ ràng. Thấy vậy, các Tông đồ tỏ ra hồ hởi, phấn khởi, đắc chí và tự hào vì thấy Chúa tuyên bố rõ ràng về Ngài và biết rõ Ngài bởi Thiên Chúa mà đến.

Nhưng Chúa đã kéo các ông ra khỏi sự mộng tưởng, đưa các ông trở lại hoàn cảnh cụ thể của mình. Chúa nói: “Anh em biết Thầy ư? Anh em tin Thầy ư? Thầy báo trước cho anh em biết khi giờ quyết liệt đến anh em sẽ bỏ Thầy mà trốn chạy hết. Nhưng không sao, Thầy thông cảm sự yếu đuối của anh em. Thầy nói vậy để anh em được yên chí về Thầy, Thầy không buồn, không giận anh em đâu…”.

4. Hôm nay Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ rằng: các ông là những người đi theo Chúa, không có lý do gì các ông không bị bách hại như chính Ngài. Nhưng liền sau đó, Ngài khích lệ các ông: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Vững tin vào lời Chúa phán với sứ mạng đã đón nhận là hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian, nhất là sự xác tín vào niềm vui Nước Trời  sau cuộc sống trần gian, các môn đệ đã không sợ gì nguy hiểm, các Ngài đã băng rừng, vượt suối và chấp nhận mọi sự đau khổ, ngay cả cái chết để loan báo Tin Mừng tình thương, chân lý và sự sống cho mọi người, để ai tin và đón nhận thì cũng được hưởng niềm vui, hạnh phúc như mình.

5. Trong bài giảng lễ Các Thánh Nam nữ, Đức Giào hoàng Phanxicô chia sẻ: “Lời Chúa chỉ cho mỗi người con đường dẫn về Thiên quốc. Đây là hành trình gian nan vất vả, vì là một cuộc hành trình lội ngược dòng”.

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chia sẻ sứ vụ của Người nơi trần gian. Đó là loan truyền ngọn lửa tình yêu Người đã thắp lên cho cả nhân loại. Tuy nhiên, sống giữa một xã hội bất công và hận thù, việc làm đó của các môn đệ là một hành vi đi “ngược dòng”; và do đó, họ sẽ bị người đời chống báng bởi “thế gian thù ghét những gì không thuộc về nó”. Thế nhưng, trên bước đường loan truyền sứ điệp yêu thương, người môn đệ luôn mang trong mình niềm tin tưởng: Thầy đã chiến thắng khải hoàn, và nhờ sự trợ giúp của Thầy, đến lượt môn sinh cũng được nối bước khải hoàn.

6. Vậy bài học Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là gì? Nhiều người chúng ta trong cuộc sống theo Chúa cũng giống như các Tông đồ, khi được ơn trên thúc giục thì phấn khởi, nói thánh nói tướng: “Chúng con biết Chúa, chúng con tin Chúa”, hay như Phêrô: “Con sẵn sàng chết với Chúa”. Nhưng khi gặp thử thách thì bỏ trốn, và có lẽ người nói mạnh nhất là người chạy nhanh nhất và sa ngã nặng nề hơn: Phêrô chối Chúa ba lần, các Tông đồ bỏ trốn hết, Gioan được coi là thân thiết nhất, cũng chỉ âm thầm đau xót. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể giống các Tông đồ lúc đầu thì chúng ta cũng hãy giống các ngài  lúc cuối: Phêrô đã ăn năn khóc lóc, các Tông đồ khác hối hận lần lượt trở lại với Chúa.

7.Truyện: Can đảm tuyên xưng Chúa.

Trong thời kỳ cách mạng Pháp, có 16 nữ tu dòng Carmel bị kết án tử hình vì tội cuồng tín. Khi tòa tuyên án, một trong số 16 nữ tu rụt rè hỏi: “Thưa quan tòa, tội cuồng tín là gì”?

Vị thẩm phán đáp: “Là tội dại dột và cố chấp  tin vào một tên tử tội đã bị kết án đóng đinh ở trên thập giá cách đây cả hơn nghìn năm”. Nghe thế, vị nữ tu chắp tay ngước mắt lên trời và nói: “Ôi! Thật tuyệt diệu khi được chết vì Chúa Kitô”.

Đến ngày xử án, 16 nữ tu được mang ra pháp trường trên chiếc xe ngựa chuyên dùng chở các tử tội, ai thấy xe ấy cũng sợ, ngoại trừ 16 nữ tu đơn sơ yếu đuối sắp bị hành quyết. Họ cất tiếng thánh thót hát lên những bài thánh ca quen thuộc, trước khi bị đem lên máy chém, từng người một quì trước mặt Mẹ Bề Trên để lặp lại lời khấn vâng lời, sau đó họ cất tiếng hát kinh “Veni Creator: Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến”.

Với một chiếc đầu rơi, cường độ của âm thanh nhỏ dần, cuối cùng đến phiên Mẹ Bề Trên tên là Têrêsa Augustina, trước khi bị lưỡi dao rơi xuống kết thúc cuộc đới, người môn đệ của Augustinô ấy đã lặp lại lời của thánh nhân: “Tình yêu sẽ luôn chiến thắng, vì tình yêu có sức mạnh vô song”.

Suy niệm 8 : Môn đệ sống giữa thế gian

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Về cuộc sống của người môn đệ giữa thế gian.

1. Chúa Giêsu báo trước và báo xa hơn về cuộc sống của người môn đệ sau khi Ngài ra đi: “Giữa thế gian, các con sẽ đau khổ. Nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Lịch sử Giáo Hội đã được khởi đầu với những cuộc bách hại. Và trải qua hơn 2000 năm số phận của người Kitô hữu cũng vẫn luôn là số phận bị nghi ngờ, bị thù ghét và có thể bị bách hại nữa. Tại sao? Lời Chúa Giêsu hôm nay là câu trả lời quý giá cho chúng ta.

Chúng ta hãy nghe một đoạn văn nói về một cuộc hành hình các Kitô hữu đầu tiên dưới thời bạo Chúa Néro năm 64 tại Rôma: “Lúc ấy, mặt trời đã lên cao, ánh mắt của nó chiếu qua tấm che trần màu đỏ tía, khiến cho nhà hát ngập màu máu. Cát nhuộm màu lửa đỏ, và trong thứ ánh sáng ấy, nét kinh hoàng hiện lên khuôn mặt của khán giả cũng như bãi đấu trường mà lát nữa đây sẽ tràn ngập nỗi đau đớn của những con người bị hành hình và nỗi điên cuồng của những dã thú. Cửa hầm mở, đoàn người bị gói trong những tấm da thú được đẩy ra. Toàn nhà hát vang lên những tiếng rì rầm “Bọn Thiên Chúa giáo!… Bọn Thiên Chúa giáo!…”

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội VN chúng ta: cũng không có luật trừ. Suốt ba thế kỷ liền, kể từ năm 1553, cùng với Tin Mừng của Chúa đến Việt Nam thì Thánh Giá cũng đến theo. Biết bao tín hữu đã bị lưu đày, bị chiếm đoạt tài sản, phải lén lút sống trong rừng sâu nước độc, cam chịu mọi đau khổ… để trung thành với Đức tin. 300 năm Giáo Hội VN đã phải chịu rất nhiều khổ đau: Tính đến cuối thế kỷ 19, người ta đã có thể thống kê được trên 130.000 đấng thuộc mọi thành phần được diễm phúc tử đạo. Trong số này có 118 vị đã được các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X và Piô XII phong lên bậc chân phước rồi được Đức Gioan Phaolô II tôn lên bậc hiển thánh gần đây.

Quả thực Giáo Hội Việt Nam của chúng ta nghèo nàn, không so sánh được với các Giáo Hội Âu Mỹ, nhưng chúng ta có quyền hãnh diện về lòng trung thành sắt son với đạo Chúa của tổ tiên ta: ba thế kỷ bắt bớ tù đày và trên 130.000 đấng Tử đạo.

2. Nếu chỉ nghe có phần đầu của Lời Chúa hôm nay thì chúng ta sẽ lo sợ nhưng nếu nghe luôn cả phần sau thì chúng ta sẽ thấy thật phấn khởi: “Thầy đã chiến thắng thế gian” (Ga 16,33).

Chúng ta hãy nhìn lại một chút lịch sử của Giáo Hội Chúa từ khi Chúa thành lập đến nay:

– Mới vừa giảng đạo được ba năm, chính Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Hội Thánh, đã bị kết án và chết một cách nhục nhã trên cây Thánh Giá.

* Hội Thánh mới thành hình chưa được bao lâu thì lại phải trải qua 300 năm bách hại. Sự bách hại lúc này không còn hạn chế trong đất nước Do Thái mà bao trùm cả đế quốc Rôma, mãi cho đến năm 313, sắc chỉ Milan về tự do tín ngưỡng mới được ban hành. Giáo Hội được hưởng một thời gian an bình. Nhìn lại cuộc sống của Giáo Hội cả thời kỳ này, sử gia Tertulianô đã nói: “Hạt máu của các vị Tử Đạo là hạt giống nảy sinh người Kitô hữu khác”.

* Thế kỷ VI, VII làn sóng các dân man di lại tràn gập đế quốc Rôma, gây không biết bao nhiêu điều điêu đứng khó khăn cho Hội Thánh. Nhưng rồi với sự kiên trì dạy dỗ, Hội Thánh đã cảm hóa được họ, lôi kéo họ trở về.

* Đền thời Cách mạng Pháp (1789-1799) không biết bao nhiêu linh mục tu sĩ phải lưu đày, xử giảo hoặc bị nhận chìm xuống lòng biển. Napoléon 1 lên ngôi, ông sang Ý bắt luôn cả Đức giáo hoàng Piô VII đem về cầm tù tại Fontainebleau vì Ngài đã phản đối việc ông ly dị với bà Josephine để cưới Marie Louis làm vợ. Một hôm, vì quá tức giận, Napoléon đã nói thẳng với Hồng Y Consalvi, quốc vụ khanh Tòa Thánh lúc đó:

– Ông không biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh.

Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời:

– Thưa Ngài, chính chúng tôi đây là những kẻ ở bên trong Hội Thánh. Dù với bao nhiêu gương xấu, tội lỗi, chia rẽ, khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh suốt 19 thế kỷ qua, thì làm sao mà Ngài có thể phá tan Hội Thánh được.

Về sau Napoléon đã phải tuyên bố:

– Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đổ, Hội Thánh vẫn tồn tại.

Tóm lại, con thuyền Phêrô đã bị sóng gió bão táp xô đẩy suốt 20 thế kỷ nay vẫn không bị chìm. Nhà thi hào Henrich Heine người Đức (1797-1856) sau khi nhìn lại những thất bại của mình trong công việc chống phá Giáo Hội đã phải thú nhận: “Đã lâu rồi, tôi không còn công kích Hội Thánh Công giáo nữa. Tôi đã đo sức trí khôn ngoan của loài người và nhận thấy rằng: Các đợt tấn công vào tảng đá khổng lồ và kiên cố đó không thể làm cho tảng đá sứt mẻ hoặc nhúc nhích được”.

 Lời Chúa hãy còn đó: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

*Xin bấm vào đọc Kinh Phụng Vụ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: